Đề xuất thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.
(PLVN) - Chính phủ đề xuất quy định 2 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù với 30 cơ chế, chính sách cụ thể phát triển TP Đà Nẵng. Trong đó có quy định thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng gắn với Cảng biển Liên Chiểu để thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách nhằm mục tiêu thu hút đầu tư.

2 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù

Chiều 14/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Dự thảo Nghị quyết quy định 2 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù với 30 cơ chế, chính sách cụ thể.

Trong 9 chính sách về tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Đà Nẵng, có 7 chính sách hoàn toàn tương tự các địa phương khác đã được QH cho phép thực hiện tại các Nghị quyết đặc thù và 2 chính sách đề xuất mới.

Trong 21 chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng đề xuất thực hiện thí điểm, có 6 chính sách hoàn toàn tương tự các tỉnh, TP đã được QH cho phép thực hiện tại các Nghị quyết đặc thù, 10 chính sách tương tự có điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn của TP và 5 chính sách đề xuất mới.

Trong 5 chính sách đề xuất mới theo thực tế của TP, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, chính sách đầu tiên là thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng.

Theo ông Nguyễn Chí Dũng, trên cơ sở nghiên cứu một số mô hình khu thương mại tự do thành công trên thế giới và kết hợp hài hòa với các mô hình kinh tế tương đồng đã có sẵn khung cơ chế, chính sách trong hệ thống pháp luật Việt Nam, dự thảo Nghị quyết quy định thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng gắn với Cảng biển Liên Chiểu để thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách nhằm mục tiêu thu hút đầu tư.

Khu thương mại tự do Đà Nẵng là khu chức năng, có ranh giới địa lý xác định, do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập. Chủ trương đầu tư các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng các khu chức năng được phân cấp cho UBND TP.

Cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư về thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm tiền thuê đất và các ưu đãi khác tại Khu thương mại tự do Đà Nẵng được áp dụng như Khu kinh tế. Các doanh nghiệp trong Khu thương mại tự do được áp dụng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan.

Ban quản lý Khu công nghệ cao và Khu công nghiệp Đà Nẵng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về Khu thương mại tự do Đà Nẵng có thẩm quyền thực hiện quản lý theo cơ chế “một cửa, tại chỗ”, trên các lĩnh vực.

Quy định rõ phương án phát triển Khu thương mại tự do

Trình bày báo cáo thẩm tra, về nội dung Khu thương mại tự do, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của QH Lê Quang Mạnh nêu rõ, đây là chủ trương lớn, cần thiết và cho rằng, đề xuất của TP thể hiện sự quyết tâm, tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, nếu thực hiện thành công sẽ tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP và của vùng.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của QH Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo thẩm tra.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của QH Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo thẩm tra.

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát để quy định rõ trong Dự thảo Nghị quyết về khái niệm, mô hình tổ chức; chức năng, nhiệm vụ; chính sách phát triển và quản lý nhà nước; phương án phát triển Khu thương mại tự do; nguồn lực thực hiện; kết quả đầu ra khi thành lập Khu thương mại tự do, bao gồm tác động đến tăng trưởng kinh tế, ngân sách và tính lan tỏa vùng miền....

Về mức ưu đãi, thời gian miễn, giảm tiền thuê đất đối với dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cơ bản nhất trí với dự thảo Nghị quyết. Tuy nhiên, đề nghị bổ sung đánh giá rõ hơn tác động của chính sách đến tình hình thu ngân sách địa phương để làm căn cứ trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung, làm rõ sự cần thiết, tính hiệu quả và khả năng quản lý, kiểm soát của nhà nước khi thực hiện chính sách này, đặc biệt trong bối cảnh đang tạo môi trường cạnh tranh, bình đẳng giữa các doanh nghiệp để có thêm căn cứ trình QH xem xét, quyết định.

Tại phiên họp, UBTVQH tán thành sự cần thiết, cơ bản thống nhất trình QH hồ sơ và dự thảo Nghị quyết; đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết; đảm bảo có các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, đột phá, có tính lan tỏa; đồng thời khắc phục những hạn chế, vướng mắc khi thực hiện Nghị quyết 119 của QH.

Cùng với đó, Chính phủ rà soát để đánh giá tác động đầy đủ, đặc biệt là các chính sách mới, từng chính sách phải có điều kiện thực hiện, gắn trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực, không hợp thức hóa các sai phạm, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, hài hòa lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư; đánh giá mức độ ảnh hưởng tới ngân sách của chính sách.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh bày tỏ ủng hộ đề xuất thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng. Theo ông Vũ Hồng Thanh, TP Đà Nẵng có quyết tâm chính trị rất cao và cũng lợi thế để phát triển là gắn với Cảng biển Liên Chiểu, có sân bay Đà Nẵng. Đây là những điều kiện tiên quyết, cần thiết để thành lập Khu thương mại tự do.

Phát biểu tại phiên họp, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đề nghị cho phép TP được thực hiện ngay mô hình chính quyền đô thị; khẳng định TP có đủ điều kiện để thực hiện mô hình này kèm theo đó là các cơ chế, chính sách để vận hành để khẳng định tính ưu việt của mô hình chính quyền đô thị.

Ông Nguyễn Văn Quảng cũng nêu rõ, TP có đủ các điều kiện nguồn lực và quyết tâm chính trị để thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù được đề xuất nếu được thông qua. “Đây sẽ là nơi thí điểm để khẳng định các chính sách mới của Nhà nước và sau này chúng ta có điều kiện nhân rộng trong thực tiễn”, ông Quảng nói.

Đọc thêm

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn Công tác của Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người

Toàn cảnh Hội nghị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: V.Anh
(PLVN) - Sáng 11/12, Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố diễn ra Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước
(PLVN) -  Sáng 10/12, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh
HĐND tỉnh Quảng Ninh nhất trí bầu bà Trịnh Thị Minh Thanh – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh, làm Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh; ông Phạm Đức Ấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV...