Hình minh họa |
Không có kẻ thắng người thua
TS. Nguyễn Thị Minh – Phó Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp (Bộ tư pháp) cho biết, luật pháp của các nước đều quy định phương thức giải quyết tranh chấp bằng con đường tòa án và ngoài tòa án. Có ba phương thức giải quyết tranh chấp thương mại ngoài tố tụng tòa án: thương lượng, hòa giải và trọng tài. Cụ thể, về hòa giải, nhìn chung, ở các nước đều có ba loại hòa giải: hòa giải tư pháp; hòa giải cộng đồng và hòa giải thương mại, dân sự.
Điều 317, Luật Thương mại năm 2005 quy định: “Hòa giải giữa các bên do một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được các bên thỏa thuận làm trung gian hòa giải”. Mặc dù pháp luật Viêt Nam không định nghĩa về trung gian, hòa giải, song theo điều luật này có thể hiểu pháp luật Việt Nam hiện nay chưa phân biệt giữa trung gian và hòa giải. Vì quy định chưa rõ ràng nên trong thực tế, hoạt động trung gian, hòa giải chưa theo quy chuẩn nào.
Trung gian, hòa giải rất phát triển và trở thành một biện pháp giải quyết tranh chấp thương mại được các doanh nhân, doanh nghiệp ưa chuộng trong những năm gần đây trên trường quốc tế. Giải quyết tranh chấp bằng hòa giải khác nhau cơ bản với giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Hòa giải là một thủ tục không bắt buộc, việc quyết định giải quyết theo điều kiện, thủ tục nào hoàn toàn do các bên tranh chấp quyết định và hòa giải viên không có thẩm quyền ra quyết định buộc các bên phải tuân theo.
Mặt khác, với bản chất quyết định giải quyết tranh chấp là sự thỏa thuận của các bên, nên các bên hoàn toàn có thể sáng tạo trong cách giải quyết của mình mà không nhất thiết chỉ dựa vào các dữ kiện và sự kiện đã xảy ra, ví dụ như xây dựng một quan hệ kinh doanh mới, hai bên cùng có lợi. Khi giải quyết tranh chấp bằng hòa giải các bên tranh chấp nhận thấy còn có nhiều ưu thế hơn trọng tài. Bởi lẽ, kết quả giải quyết tranh chấp bằng trọng tài luôn luôn có bên thắng và bên thua do Hội đồng trọng tài phán quyết, song trong hòa giải, không có bên thắng, bên thua mà cả hai bên đều thắng (win-win situation). Các bên đều tham gia vào quá trình ra quyết định về việc giải quyết tranh chấp nên thường đáp ứng nhu cầu của các bên.
Ngoài ra, chính vì bản chất không có kẻ thua, người thắng mà các bên tranh chấp sau khi hòa giải vẫn có thể là các đối tác trong kinh doanh. Mà trên thương trường, đối tác luôn là nhân tố quyết định sự thành bại của một doanh nghiệp.
Tại Hội thảo, các chuyên gia cũng thẳng thắn cho rằng, thực tế, ở Việt Nam hòa giải thương mại chưa thực sự được coi là một phương thức giải quyết tranh chấp độc lập. Nhiều vụ việc, kể cả khi có các bên trung gian, hòa giải hoặc trọng tài tham gia giải quyết, các bên vẫn tiếp tục khiếu kiện ra Tòa án.
Đã đến lúc ban hành Nghị định về hòa giải thương mại
Để thúc đẩy biện pháp giải quyết tranh chấp bằng hòa giải một cách hiệu quả, TS. Nguyễn Thị Minh kiến nghị, pháp luật Việt Nam cũng chỉ nên quy định về mặt nguyên tắc, công nhận hòa giải thương mại như một biện pháp giải quyết tranh chấp độc lập.
Cũng theo bà Minh, nên quy định trung gian và hòa giải thành một biện pháp giải quyết tranh chấp thay thế là hòa giải thương mại. Đặc biệt, phải quy định về giá trị pháp lý của biên bản hòa giải thành. Trong trường hợp hòa giải thành thì biên bản hòa giải thành đối với các vụ việc tranh chấp có hiệu lực pháp luật, Tòa án và Trọng tài không thụ lý các đơn thư đề nghị giải quyết tranh chấp đã được hòa giải thành. Nếu một trong các bên không thi hành thì có thể yêu cầu Tòa án ra quyết định công nhận hòa giải thành. Quyết định này được thi hành như một bản án của Tòa án.
Chuyên gia này cho rằng, trước mắt, Chính phủ nên ban hành Nghị định về hòa giải thương mại, trong đó nêu định nghĩa về hòa giải thương mại, giá trị pháp lý của biên bản hòa giải thành, trình tự, thủ tục thành lập các tổ chức hòa giải, yêu cầu đối với với hòa giải viên, v.v... Đồng thời, nên thành lập Viện hòa giải thương mại trực thuộc cơ quan QLNN về trọng tài, tổ chức này sẽ đóng vai trò tiên phong trong công tác trung gian hòa giải tại Việt Nam và đóng góp cho công cuộc thúc đẩy biện pháp giải quyết tranh chấp bằng hòa giải một cách hiệu quả.
Theo ông Clifford Wallace – Thẩm phán cao cấp, Nguyên Chánh Tòa Phúc thẩm khu vực 9 của Hoa Kỳ, ở quốc gia này, cứ 10 vụ việc nộp đơn ra Tòa, thẩm phán chỉ phải giải quyết 1 vụ. Còn lại 9 vụ được giải quyết qua trung gian (hòa giải) và cứ 100 vụ việc giải quyết bằng trung gian thì có 87 vụ thành công.
Để các văn bản (hay còn gọi là hợp đồng) thỏa thuận giữa hai bên giải quyết bằng trung gian có hiệu lực, ông Clifford Wallace lưu ý, trong hợp đồng này nên ghi rõ, hai bên thỏa thuận sẽ tự nguyện thực hiện theo nội dung văn bản này. Những trường hợp này, Tòa án sẽ từ chối thụ lý vụ việc trừ khi một trong các bên chứng minh được dấu hiệu lừa đảo, gian dối của những người tham gia giải quyết vụ việc đó.
Mai Hoa