Vốn pháp định của QTDND xác định theo địa bàn hoạt động
Trong dự thảo này chưa xem xét việc tăng mức vốn pháp định đã được quy định tại Nghị định số 141/2006/NĐ-CP về ban hành Danh mục mức vốn pháp định của các tổ chức tín dụng, đối với tổ chức tín dụng là ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và tổ chức tín dụng phi ngân hàng, nhưng đề xuất điều chỉnh vốn pháp định đối với QTDND và bổ sung quy định về vốn pháp định đối với tổ chức tài chính vi mô.
Theo quy định tại Nghị định số 141/2006/NĐ-CP, mức vốn pháp định đối với QTDND là 100 triệu đồng. Hiện nay NHNN đang được giao xây dựng Đề án “Củng cố và phát triển hệ thống QTDND đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo dự thảo Đề án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, một trong số các mục tiêu đến năm 2020 là: Các QTDND hoạt động ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa có mức vốn điều lệ tối thiểu là 500 triệu đồng, các QTDND hoạt động ở địa bàn các tỉnh, thành phố có mức vốn điều lệ tối thiểu là 01 tỷ đồng.
Do vậy, tại dự thảo này, việc điều chỉnh mức vốn pháp định của QTDND, trong đó mức vốn pháp định khác nhau theo địa bàn hoạt động gồm các QTDND hoạt động ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa và các QTDND hoạt động ở địa bàn tỉnh, thành phố đảm bảo phù hợp, thống nhất với định hướng tại Đề án “Củng cố và phát triển hệ thống QTDND đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”.
Tuy nhiên, “địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa” được xác định như thế nào? Liên quan đến nội dung này, Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (Nghị định 55) có quy định về khái niệm “nông thôn” là khu vực địa giới hành chính không bao gồm địa bàn của phường, quận thuộc thị xã, thành phố.
Để đảm bảo định hướng nêu tại Đề án và tạo cơ sở pháp lý xác định mức vốn pháp định theo địa bàn của Nghị định, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 141/2006/NĐ-CP đã điều chỉnh vốn pháp định của QTDND từ mức 100 triệu hiện hành thành hai mức vốn pháp định theo địa bàn gồm: Vốn pháp định đối với các QTDND hoạt động ở địa bàn nông thôn là 500 triệu và các QTDND hoạt động ở địa bàn phường, quận thuộc thị xã, thành phố là 1 tỷ đồng.
Chỉ có vài QTDND phải điều chỉnh
Với quy định dự kiến về vốn pháp định nêu trên, theo số liệu giám sát của NHNN thì dự thảo Nghị định không tác động gì nhiều đến hệ thống QTDND. Đối với các QTDND hoạt động ở địa bàn nông thôn, có 03/958 QTDND ở địa bàn nông thôn (gồm 01 Quỹ ở Bến Tre, 01 Quỹ ở Long An và 01 Quỹ ở Quảng Ngãi) không đáp ứng mức vốn điều lệ dự kiến 500 triệu đồng, phải tăng vốn điều lệ, trong đó QTDND phải tăng nhiều nhất dự kiến là 278 triệu đồng.
Đối với QTDND hoạt động ở địa bàn phường, quận thuộc thị xã, thành phố, có 8/222 QTDND ở địa bàn thị xã, thành phố (gồm 01 Quỹ ở An Giang, 01 Quỹ ở Đồng Nai, 01 Quỹ ở Ninh Thuận, 01 Quỹ ở Quảng Ngãi, 03 Quỹ ở Thừa Thiên – Huế và 01 quỹ ở Vĩnh Phúc) phải tăng vốn điều lệ, trong đó QTDND phải tăng nhiều nhất là 724,5 triệu đồng.
Từ những phân tích nêu trên có thể thấy, số QTDND chịu tác động của quy định tăng vốn điều lệ của QTDND là rất nhỏ (11/1180 QTDND, chiếm 0,9% số QTDND trên toàn hệ thống). Mặt khác, trong 08 Quỹ hoạt động trên địa bàn phường, quận thuộc thị xã, thành phố có mức vốn điều lệ dưới 1 tỷ đồng thì có tới 04 Quỹ hiện đã có mức vốn điều lệ trên 800 triệu đồng, đáp ứng 80% so với số vốn điều lệ theo quy định dự kiến trong dự thảo Nghị định. Do đó, quy định dự kiến về mức vốn điều lệ của QTDND có tác động rất nhỏ tới hoạt động của toàn bộ hệ thống QTDND.
Để đảm bảo tính khả thi và phù hợp với mục tiêu của Đề án, NHNN đề xuất lộ trình thực hiện đối với QTDND chưa đáp ứng mức vốn pháp định như sau: Các QTDND phải có kế hoạch tăng vốn điều lệ đảm bảo đến ngày 01/01/2020 đảm bảo có đủ vốn điều lệ tối thiểu bằng mức vốn pháp định quy định tại dự thảo Nghị định và bổ sung điều khoản chuyển tiếp theo lộ trình đối với trường hợp QTDND chưa đáp ứng mức vốn pháp định mới.