Đánh giá Hà Tĩnh đã thể hiện được những vấn đề trăn trở từ thực tiễn nhưng Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng đề nghị tỉnh tiếp tục đôn đốc, ráo riết hơn nữa để có nhiều kiến nghị phù hợp, được chấp nhận trong sửa đổi Hiến pháp lần này.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường phát biểu tại Hội nghị. |
Tiếp tục chuyến kiểm tra tình hình triển khai tổng kết thi hành Hiến pháp tại các tỉnh miền Trung, hôm qua (7/12) Bộ trưởng Hà Hùng Cường và Đoàn công tác Ban Chỉ đạo triển khai tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 của Chính phủ đã làm việc tại Hà Tĩnh.
Không có chế tài xử lý, giám sát không hiệu quả
Ngay sau khi có kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ, Hà Tĩnh đã triển khai các công việc phục vụ tổng kết Hiến pháp như ban hành kế hoạch tổng kết thi hành Hiến pháp, thành lập tổ giúp việc, phân công cụ thể trách nhiệm đến từng cơ quan đơn vị. Đến nay, ở cấp tỉnh đã có 4 đơn vị hoàn thành báo cáo chuyên đề theo kế hoạch; tất cả các huyện, thành phố, thị xã đã chỉ đạo tổng kết từ cơ sở, hoàn thành việc tổ chức tổng kết ở cấp huyện và hoàn chỉnh báo cáo gửi về tỉnh.
Dự thảo Báo cáo về tổng kết việc thi hành các quy định của Hiến pháp và Luật tổ chức HĐND và UBND về chính quyền địa phương của HĐND tỉnh Hà Tĩnh do Phó Chủ tịch Thiều Đình Duy trình bày trước Đoàn công tác đã nêu bật những kết quả đạt được trong việc thi hành các quy định nói trên trên địa bàn tỉnh, nhưng cũng chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc.
Đối với HĐND, theo ông Duy, Hiến pháp xác định vị trí, vai trò của HĐND là rất lớn và quan trọng, nhưng thực tế pháp luật chưa tạo được cơ chế cụ thể để HĐND thực hiện được những chức năng cơ bản của mình. Hoạt động của HĐND các cấp hiện nay có lúc còn hình thức. Đại biểu HĐND chưa thực sự là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân.
Đặc biệt, hoạt động giám sát là một trong hai chức năng cơ bản của HĐND. Tuy nhiên, Luật tổ chức HĐND lại không quy định cơ chế chế tài giám sát cụ thể nên hiệu quả giám sát không cao, phần lớn chỉ dừng lại ở việc kiến nghị, nhiều kiến nghị sau giám sát không được tiếp thu, xem xét nhưng không có chế tài xử lý, trong khi chưa có Luật Giám sát của HĐND.
Bên cạnh đó, về tổ chức và nhân sự của thường trực HĐND và các Ban cũng còn nhiều tồn tại. Việc thực hiện chế định bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do HĐND bầu còn nhiều bất cập. Đặc biệt, thực tế cho thấy HĐND trong mối quan hệ với UBND có lúc không thực quyền.
Tương tự, trong hoạt động của UBND các cấp cũng còn nhiều bất cập do các quy định hiện hành liên quan đến tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động, mối quan hệ …
Sửa đổi Hiến pháp lần này, HĐND tỉnh Hà Tĩnh cũng kiến nghị những vấn đề hết sức cụ thể.
Ráo riết hơn để có đề xuất chất lượng
Trong thời gian ngắn, giữa thời điểm cuối năm bộn bề công việc nhưng theo đánh giá của Bộ trưởng Hà Hùng Cường: “Hà Tĩnh có một báo cáo tuy là bước đầu nhưng đã tập trung vào 4 chủ đề Ban chỉ đạo của Chính phủ yêu cầu, thể hiện được những trăn trở từ thực tiễn của địa phương, nhiều kiến nghị cần được xem xét”. Bộ trưởng cũng ghi nhận, hoan nghênh sự lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể, sát sao của Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND đối với tổng kết thi hành Hiến pháp.
Theo tiến độ, cuối 2013 bản dự thảo Hiến pháp sẽ phải trình ra Quốc hội để thông qua, thời gian không còn nhiều, trong khi khối lượng công việc rất lớn. Bộ trưởng đề nghị Hà Tĩnh “không nên dừng ở báo cáo tổng kết mà cần theo sát, chỉ đạo sít sao, tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi để thực sự phán ánh được tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Cần đảm bảo tiến độ thời gian kịp trình Chính phủ, Quốc hội”. Để làm được việc này, Bộ trưởng đề nghị Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND đôn đốc, ráo riết hơn nữa để “có nhiều kiến nghị phù hợp, có chất lượng, được chấp nhận”
* Ông Trần Minh Kỳ, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh: “Sửa đổi Hiến pháp lần này, theo tôi nên cố gắng sửa một cách căn cơ, lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan, ban ngành, nhân dân”. * Ông Nguyễn Thanh Bình, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh: “Có quá nhiều việc phải làm, chúng tôi cần có thêm thời gian để tranh thủ trí tuệ của các cấp ngành để có cơ sở hoàn thành báo cáo một cách chất lượng nhất”. |
Thu Hằng