Đề xuất 'siết' chặt hơn điều kiện đối với xe đưa đón học sinh

Xe đưa đón học sinh tại Hải Dương. (Hình: baogiaothong.vn)
Xe đưa đón học sinh tại Hải Dương. (Hình: baogiaothong.vn)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề xuất xe đưa đón học sinh bắt buộc có đèn cảnh báo hoặc đăng ký màu sơn nhận diện, niên hạn sử dụng không quá 15 năm.

Theo Dự thảo Luật Đường bộ lần thứ 5 đang được lấy ý kiến nhân dân, Bộ GTVT quy định xe đưa đón học sinh phải bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Nếu đưa đón học sinh tiểu học, mầm non, xe phải có dây đai an toàn hoặc ghế ngồi phù hợp lứa tuổi. Kính xe có thể nhìn rõ phía trong xe từ bên ngoài. Lái xe đưa đón học sinh có 2 năm kinh nghiệm.

Xe đưa đón học sinh có thể do cơ sở giáo dục tự tổ chức hoặc đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện. Các trường học muốn tổ chức đưa đón phải thông báo đến cơ quan chuyên môn về giao thông vận tải địa phương, gồm: Hành trình; điểm dừng đón, trả; danh sách xe, lái xe; hình ảnh xe và màu sơn đặc trưng. Nếu thông tin trên thay đổi, trường phải thông báo bổ sung.

Khi đưa đón học sinh tiểu học, mầm non, các trường phải bố trí 1 quản lý mỗi xe để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự, bảo đảm an toàn suốt chuyến đi. Nếu xe trên 24 chỗ đưa đón học sinh mầm non phải có 2 quản lý. Các trường có trách nhiệm tập huấn cho lái xe và người quản lý học sinh nắm vững, thực hiện đúng quy trình an toàn.

Xe đưa đón học sinh được quyền ưu tiên trong phân luồng, điều tiết giao thông.

Đề cập cụ thể về chi tiết đèn cảnh báo, trả lời báo chí, đại diện Phòng Quản lý phương tiện, người lái (Cục Đường bộ), cho biết, đèn cảnh báo phải phát sáng, có thể xoay, được gắn trên nóc xe hoặc đèn ghi "xe chở học sinh" để khi tham gia giao thông các phương tiện khác có thể nhận diện.

Đại diện Phòng Quản lý phương tiện, người lái cho rằng chưa cần lắp đèn cảm biến cảnh báo ở cuối xe vì công nghệ khá phức tạp. Các quy định trong Dự thảo đã yêu cầu trước khi học sinh xuống xe, cả lái xe và người giám sát phải kiểm tra toàn bộ xe xem còn ai hay không.

Cơ quan soạn thảo dự tính sẽ không bắt buộc tất cả xe đưa đón học sinh phải dùng màu sơn chung, nhưng cần có các màu sơn đặc trưng để dễ nhận biết. "Quy định này nhằm làm sao để ôtô đưa đón học sinh dễ được nhận biết khi tham gia giao thông, để được ưu tiên phân luồng, điều tiết và bảo đảm an toàn hơn", đại diện Phòng cho biết.

Lý giải cho hàng loạt quy định mới, Bộ GTVT cho rằng trẻ em cần được ưu tiên bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, quản lý hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng ôtô hiện "chưa có bất cứ quy định nào", trong khi dịch vụ này đang phổ biến, nhất là ở thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM; nên xảy ra nhiều bất cập như dịch vụ tự phát, chất lượng xe không bảo đảm, lái xe thiếu trách nhiệm...

Các đề xuất nêu trên nhằm phân biệt rõ xe đưa đón học sinh với các xe kinh doanh vận tải khác, tạo cơ chế quản lý chặt xe đưa đón học sinh, nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn, gắn trách nhiệm của đơn vị kinh doanh và nhà trường vào hoạt động này.

Doanh nghiệp phải bổ sung một số thiết bị an toàn, đào tạo lái xe, người quản lý học sinh khiến chi phí tăng. Nhưng nếu không thực hiện sẽ không khuyến khích được doanh nghiệp đầu tư, đổi mới xe, trang bị bảo đảm an toàn cho học sinh. Người dân cũng khó lựa chọn xe an toàn, chất lượng tốt.

Đọc thêm

Quy định mới nhất về việc tổ chức học thêm, dạy thêm

Ảnh minh họa
(PLVN) - Thông tư 29/2024 quy định rõ, giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Không giải thích rõ ràng cho bên mua về quyền lợi bảo hiểm bị phạt tới 100 triệu đồng

Ảnh minh hoạ.
(PLVN) - Theo quy định tại  Nghị định số 174/2024/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm vừa được Chính phủ ban hành, hành vi không giải thích rõ ràng, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm bị phạt tới 100 triệu đồng.