Nhiều ưu đãi
Theo Dự thảo Nghị quyết, 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện thí điểm phổ cập giáo dục mầm non, gồm: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hải Phòng, Lào Cai, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Đà Nẵng, Kon Tum, Sóc Trăng, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Long An, Bạc Liêu. Trẻ em trong độ tuổi phổ cập giáo dục mầm non từ 3 - 4 tuổi, 4 - 5 tuổi.
Cụ thể, về ưu đãi đối với trẻ em mẫu giáo trong độ tuổi thực hiện phổ cập, theo Dự thảo Nghị quyết, những đối tượng được hưởng chính sách gồm: Trẻ em mẫu giáo trong độ tuổi thực hiện phổ cập thường trú tại xã, thôn đặc biệt khó khăn, xã khó khăn đang học tại cơ sở giáo dục mầm non thuộc xã khu vực III, khu vực II, khu vực I, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.
Trẻ em mẫu giáo trong độ tuổi thực hiện phổ cập là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cận nghèo thường trú tại xã khu vực II, khu vực I vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đang học tại cơ sở giáo dục mầm non thuộc xã khu vực III, khu vực II, khu vực I, xã khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.
Theo đó, Bộ GD&ĐT đề xuất, trẻ em mẫu giáo trong độ tuổi phổ cập thuộc các trường mầm non công lập được miễn học phí; đối với các trường hợp khác việc miễn giảm học phí được thực hiện theo chính sách hỗ trợ do HĐND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành.
Đáng chú ý, trẻ em mẫu giáo trong độ tuổi phổ cập học tập tại các cơ sở phổ cập giáo dục mầm non được hỗ trợ tiền ăn trưa tối thiểu là 360.000 đồng/tháng/cháu (ba trăm sáu mươi nghìn đồng). Thời gian hỗ trợ tính theo số tháng học thực tế, nhưng không quá 9 tháng/năm học.
Trẻ em mẫu giáo trong độ tuổi phổ cập học tập tại các cơ sở phổ cập giáo dục mầm non được hỗ trợ chi phí học tập là 160.000 đồng/tháng/cháu. Thời gian hỗ trợ tính theo số tháng học thực tế, nhưng không quá 9 tháng/năm học.
Ngoài ra, căn cứ tình hình kinh tế - xã hội, khả năng cân đối tài chính ngân sách của địa phương, UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng, trình HĐND cấp cùng cấp ban hành định mức cụ thể về miễn giảm học phí, hỗ trợ ăn trưa, hỗ trợ chi phí học tập đối với trẻ em mẫu giáo trong độ tuổi phổ cập.
Giáo viên mầm non được hỗ trợ tối thiểu 960.000 đồng/tháng
Bên cạnh đó, về chính sách thu hút đội ngũ, ưu đãi đối với giáo viên mầm non khi thực hiện thí điểm phổ cập giáo dục mầm non, Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ: HĐND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành quy định chính sách ưu đãi về tuyển dụng, thu hút giáo viên mầm non tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập thực hiện phổ cập giáo dục mầm non, căn cứ khả năng ngân sách của địa phương để xem xét quyết định mức ưu đãi khi tuyển dụng tối thiểu 1 năm tiền lương cơ bản.
Giáo viên mầm non tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập thực hiện phổ cập giáo dục mầm non được hỗ trợ tối thiểu 960.000 đồng/tháng, hưởng không quá 9 tháng/năm học. Mức hỗ trợ cụ thể do UBND cấp tỉnh xây dựng phù hợp với khả năng ngân sách của địa phương, trình HĐND cùng cấp xem xét, quyết định.
Giáo viên mầm non tại các cơ sở giáo dục mầm non thực hiện phổ cập giáo dục mầm non được tham gia bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hàng năm theo Chương trình bồi dưỡng của Bộ. Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng do Bộ GD&ĐT đề xuất cấp từ nguồn kinh phí thực hiện Đề án Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non giai đoạn 2018 - 2025 (Quyết định số 33/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ); giai đoạn tiếp theo từ nguồn bồi dưỡng thường xuyên giáo viên hàng năm.
Dự thảo Nghị quyết cũng quy định về kinh phí thực hiện các chính sách trên gồm: Ngân sách nhà nước bao gồm: ngân sách địa phương; ngân sách Trung ương hỗ trợ cho các địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn hiện hành; nguồn vốn xã hội hóa giáo dục và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.