Theo dự thảo đề xuất, chỉ các mạng xã hội có giấy phép thiết lập mới có quyền thu phí sử dụng dịch vụ dưới mọi hình thức và cung cấp dịch vụ phát trực tuyến livestream. Đồng thời, các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin qua biên giới dưới hình thức mạng xã hội chỉ cho phép các tài khoản, trang cộng đồng, các kênh nội dung tại Việt Nam đã thông báo thông tin liên hệ với Bộ TT&TT mới được phát livestream và tham gia các dịch vụ có phát sinh doanh thu dưới mọi hình thức. Livestream vi phạm pháp luật phải gỡ trong vòng 3 giờ.
Nội dung dự thảo này được đưa ra trước tình hình nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng mạng xã hội để tổ chức phát livestream cung cấp thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín, nhân phẩm tổ chức, cá nhân khác và thông tin, dịch vụ vi phạm pháp luật, thậm chí có cả những trường hợp tuyên truyền chống phá Nhà nước.
Nhiều trang Facebook, Youtube sử dụng ứng dụng livestream để biến trang của mình thành “báo mạng”, liên tục phát trực tuyến các sự việc trong xã hội. Các trang này thường tạo các sự việc “giật gân” như công kích lực lượng cảnh sát giao thông đang thi hành nhiệm vụ, tìm đến nhà những nạn nhân của những vụ án, sự kiện nổi cộm, khai thác đời tư người nhà các nghi phạm, phát đi các cuộc nói chuyện bôi xấu Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
Không ít trang bán hàng online cũng tận dụng công cụ trực tuyến để livestream bán hàng, thực hiện các hành vi vi phạm thuần phong mỹ tục như cởi bỏ quần áo, ăn mặc hở hang, nói tục chửi thề, thậm chí bịa đặt, lan truyền các thông tin không rõ nguồn gốc... nhằm “câu khách”.
Những hành vi này khiến dư luận xã hội hoang mang, tạo nên nhiều cuộc tranh cãi, xúc phạm nhân phẩm, xâm phạm đời tư, gây mất trật tự xã hội... Người dân mong chờ một quy định mới sâu sát hơn, rõ ràng hơn góp phần kiểm soát tình trạng “náo loạn” do đội ngũ youtuber, vlogger gây ra thời gian qua. Khi luật được ban hành, việc xử lý cũng cần nghiêm khắc, tránh “nhờn luật”, người dân được củng cố niềm tin, thượng tôn pháp luật.