Tại cuộc họp báo, đại diện Bộ Tài chính cho biết, Bộ đã có công văn xin ý kiến rộng rãi về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Việc điều chỉnh căn cứ vào Luật năm 2012, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế Thu nhập cá nhân.
Theo Luật số 26 năm 2012, khoản 4 Điều 1 quy định mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng. Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% thì Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.
Tuân thủ điều khoản này, Bộ Tài chính đã thường xuyên cập nhật chỉ số giá tiêu dùng, tính đến hết năm 2019 là 23,2% năm 2019. Vì vậy, Bộ đã căn cứ chỉ số giá tiêu dùng và phù hợp với biến động của giá cả để đề xuất mức giảm trừ 15 triệu đồng/tháng đối với đối tượng nộp thuế.
Về vấn đề quản lý với một số đối tượng như ca sĩ, cá nhân kinh doanh qua mạng thì Luật Quản lý thuế sắp có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020 đã có điều khoản quy định chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, trách nhiệm của người nộp thuế là kê khai đầy đủ, trung thực. Còn cơ quan quản lý nhà nước sẽ tăng cường tuyên truyền và đẩy mạnh hoạt động thanh, kiểm tra.
Trước đó, Chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 3/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng đã thông tin một số nội dung của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2020 diễn ra cùng ngày.
Trong đó, Chính phủ đánh giá, thời gian qua, công tác phòng chống và kiểm soát dịch bệnh COVID-19 được đặt ra là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu và được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo với tinh thần "chống dịch như chống giặc" của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân.
Chúng ta đã đạt được kết quả thành công bước đầu quan trọng trong phòng chống, kiểm soát dịch Covid-19, được cộng đồng quốc tế và nhân dân đánh giá cao (16 ca nhiễm đã được điều trị khỏi, 19 ngày không phát hiện ca nhiễm mới)… Tuy nhiên, Thủ tướng luôn nhấn mạnh đây mới là kết quả bước đầu trong phòng chống dịch, không được chủ quan, lơ là trong chỉ đạo phòng chống dịch.
Tại phiên họp Chính phủ, các thành viên Chính phủ đã thảo luận dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch Covid-19.
Chỉ thị sẽ đưa ra 6 nhóm giải pháp về (i) vốn, tài chính và thúc đẩy thanh toán điện tử; (ii) cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; (iii) bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất nhập khẩu; (iv) tháo gỡ khó khăn, phụ hồi, phát triển ngành du lịch; (v) thúc đẩy đầu tư và giải ngân; (vi) rà soát, xử lý vướng mắc về lao động, phương án hỗ trợ người lao động bị thôi việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Buổi chiều, Chính phủ dành thời gian cho công tác xây dựng thể chế, pháp luật, cơ chế chính sách. Thời gian tới, các Bộ trưởng, Trưởng ngành sát sao, tập trung chỉ đạo việc xây dựng, trình các dự án luật, pháp lệnh để Chính phủ có thể trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thông qua tại kỳ họp 9, Quốc hội khóa XIV bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Toàn cảnh buổi họp báo chiều 3/3. |
Rất nhiều câu hỏi đã được các phóng viên nêu lên như chấm dứt thí điểm ứng dụng gọi xe công nghệ, kịch bản của Việt Nam nếu tình hình dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng, vụ tiêu diệt Tuấn “khỉ”, việc quản lý thu nhập cá nhân (qua mạng, youtube), vụ đăng ký vốn điều lệ lên tới 144 nghìn tỷ đồng…
Đối với việc kết thúc thử nghiệm loại hình ứng dụng đặt xe, Bộ Giao thông vận tải đã báo cáo Thủ tướng. Theo đó, khi Nghị định 10 ra đời thì sẽ chấm dứt hiệu lực của Nghị định 86.
Còn xe Grab, Fastgo… hay bất kỳ tên gọi nào, miễn phù hợp với quy định Nghị định 10 thì được hoạt động. Chẳng hạn như kết thúc chuyến đi thì phải gửi hóa đơn điện tử cho cơ quan Thuế; biển hiệu xe dán ở vị trí nào trên xe. “Tinh thần chung là phù hợp thì được hoạt động, không phân biệt về tên gọi” – đại diện Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh lần nữa.
Chia sẻ thông tin về vụ án Tuấn khỉ, đại diện Bộ Công an cho biết: Ngay sau khi Tuấn gây án thì Bộ Công an đã xác định đây là đối tượng đặc biệt nguy hiểm (có súng, thông thạo địa bàn, biết cách ứng phó với lực lượng chức năng) nên đã chỉ đạo quyết liệt vây bắt Tuấn và đạt kết quả.
Tuấn là cán bộ Công an nhưng không tu dưỡng rèn luyện. Vì vậy, Bộ Công an yêu cầu Công an quận 11 kiểm điểm về quản lý cán bộ, Công an huyện Củ Chi kiểm điểm về kiểm soát địa bàn. Việc tiêu diệt được Tuấn xuất phát từ việc Bộ đã phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Riêng các đối tượng liên quan thì hiện cơ quan Công an đã khởi tố 17 bị can với nhiều tội danh, đóng vai trò hỗ trợ, giúp sức cho Tuấn lẩn trố. Tuy nhiên, thời điểm này chưa cung cấp được thông tin cụ thể do vụ án đang trong quá trình điều tra.
Nói về việc TP Hải Phòng chi gần 270 tỷ mua quà cho người dân, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng cho biết, hiện có 2 luồng ý kiến khác nhau. Vấn đề này là thẩm quyền chi tiền của HĐND, UBND Hải Phòng. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, trên cơ sở Luật Ngân sách nhà nước, cần chi tiêu tiền thuế của người dân sao cho tiết kiệm, hiệu quả khi chúng ta có nhiều việc khác cần giải quyết.
“Tôi được biết là Hải Phòng chưa chi, mới đang là đề án thôi, nhưng nếu chi phải chi cho đúng” – ông Dũng nói.