Khám sức khỏe tiền hôn nhân thường gồm khám lâm sàng tổng quát (khám nội tổng quát và chuyên khoa phụ sản); xét nghiệm (nhóm máu, bệnh lý về máu, chức năng gan thận, viêm gan virus, các bệnh lây qua đường tình dục); siêu âm ổ bụng...
Khám sức khỏe tâm thần tiền hôn nhân sẽ xác định 1 trong 2 người có bị rối loạn hành vi, rối loạn tâm thần hay không. Bệnh lý này được cho là nếu không khám thì không thể biết được. Nếu không may có người bị bệnh thì cần điều trị hoặc bác sĩ theo dõi, để sau khi kết hôn hạn chế tối đa bạo lực gia đình, ảnh hưởng xã hội.
Khám sức khỏe tiền hôn nhân sẽ giúp các bạn trẻ biết trước về khả năng sinh sản của người chồng hoặc vợ. Căn cứ trên kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ tư vấn cho họ giải pháp góp phần bảo vệ hạnh phúc gia đình. Mỗi gia đình hạnh phúc sẽ góp phần tăng năng suất lao động, đóng góp tích cực cho xã hội.
Điều quan trọng bậc nhất là khám sức khỏe tiền hôn nhân sẽ giúp phát hiện bệnh lý di truyền để can thiệp sớm, trước khi quyết định mang thai, tránh nhiều trường hợp sinh con ra mắc bệnh lý di truyền, tạo gánh nặng cho gia đình và xã hội. Vị ĐBQH này cho rằng “đã chứng kiến nhiều gia đình sinh con bị dị tật và chăm sóc suốt mấy chục năm, rất đáng thương, nhưng cũng là gánh nặng lớn cho gia đình và xã hội”.
“Khám sức khỏe tiền hôn nhân cũng giúp bác sĩ tránh phải rơi vào hoàn cảnh đưa ra quyết định cứu mẹ hoặc cứu con. Đã có trường hợp bác sĩ cứu được mẹ, nhưng chi phí điều trị quá nhiều và sức khỏe suy yếu nên cuộc sống của họ bị ảnh hưởng lớn”, ĐBQH này nêu quan điểm “khám sức khỏe tiền hôn nhân thể hiện trách nhiệm với người vợ, người chồng tương lai cũng như thế hệ sau”.
Trong thực tế, từ nhiều năm qua, dù không có quy định bắt buộc, nhiều người vẫn tự khám sức khỏe tiền hôn nhân 6 tháng trước khi cưới.
Đứng ở góc độ khoa học, y tế; những ý kiến trên là hoàn toàn chính xác. Đứng ở góc độ pháp lý, nếu coi việc kết hôn là hành vi “có điều kiện”, ví dụ muốn đi làm hay muốn thi lấy giấy phép lái xe, thì buộc phải có giấy khám sức khỏe; và chỉ cần ra một văn bản là xong. Nhưng Luật Hôn nhân và Gia đình, các nghị định, thông tư hướng dẫn đều không quy định bắt buộc khám sức khỏe tiền hôn nhân. Luật chỉ quy định tuổi kết hôn của nam là 20, nữ 18 và không bị mất năng lực hành vi dân sự; nam nữ kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện.
Lý do nằm ở chỗ hôn nhân là quyền của mỗi người, tình trạng sức khỏe cũng là bí mật đời tư phải được giấu kín mà luật đã quy định. Nếu ra quy định người có bệnh mà không được kết hôn, thì cần phải tính toán nghiên cứu kỹ quy định ấy có phù hợp quy định về quyền con người, phù hợp luật pháp trong nước và quốc tế hay không?