Theo hãng tin TASS, thông tin trên được đồng chủ tịch của nhóm làm việc về sửa đổi Hiến pháp của Nga Pavel Krasheninnikov công bố.
Theo ông này, theo đề xuất, phiên bản mới của điều 92.1 của Hiến pháp Nga sẽ quy định rằng một tổng thống Nga sau khi đã chấm dứt quyền hạn Tổng thống sẽ vẫn được hưởng quyền miễn trừ.
Tuy nhiên, theo ông Krasheninnikov, theo đề xuất mới, một cựu tổng thống có thể bị tước quyền miễn trừ theo các thủ tục luận tội được quy định trong điều 93 của Hiến pháp.
Cho đến nay, quyền miễn trừ của các tổng thống và các quy định về chấm dứt quyền miễn trừ của cựu Tổng thống Nga được nêu trong luật liên bang.
“Những quy tắc này trở nên ổn định hơn, bởi vì chúng được nâng lên cấp hiến pháp”, ông Krasheninnikov nói.
Ngày 23/1 vừa qua, Duma Quốc gia tức Hạ viện Nga đã thông qua dự luật sửa đổi hiến pháp Nga do Tổng thống Vladimir Putin đệ trình tại lần đọc đầu tiên.
Dự thảo luật này mở rộng thẩm quyền của Duma Quốc gia và Hội đồng Liên bang, tức Thượng viện của Nga, đảm bảo quyền tối cao của Hiến pháp trong hệ thống pháp luật Nga, cấm các quan chức cấp cao có giấy phép cư trú ở các quốc gia khác, hạn chế số lượng nhiệm kỳ của tổng thống đồng thời quy định phải tiến hành một cuộc bỏ phiếu toàn quốc đối với các sửa đổi.
Theo Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin, lần đọc thứ hai đối với dự luật ban đầu dự kiến diễn ra vào ngày 11/2 đã được dời lại đến cuối tháng 2, đầu tháng 3 do có nhiều sửa đổi được đề xuất.
Trong phát biểu mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định ông không đề xuất sửa đổi hiến pháp Nga để kéo dài thời gian nắm quyền.