Theo đó, phát biểu trên truyền hình, Đại sứ Bodnar thông tin, Ukraine đã tạo ra một quỹ bảo lãnh và có thể thu hút các công ty cung cấp tàu vận chuyển ngũ cốc.
“Chúng tôi cho rằng điều này có thể thực hiện được thông qua lãnh hải của Romania và Bulgaria, không cần sử dụng tuyến đường được thỏa thuận trước đó", ông Bodnar nói.
Theo Đại sứ Ukraine, chính quyền Ukraine đang cố gắng giải quyết vấn đề về thị trường ngũ cốc và đang vận động tại các diễn đàn quốc tế.
Đại sứ Bodnar thông tin, Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba đang làm việc tại Liên hợp quốc để tìm kiếm “sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế” trong việc tiếp tục sáng kiến ngũ cốc.
Phát biểu của Đại sứ Ukraine được đưa ra sau khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Maria Zakharova ngày 17/7 cho biết, Nga đã chính thức thông báo cho Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Liên hợp quốc về việc phản đối gia hạn thỏa thuận Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen.
Thỏa thuận nêu trên đạt được hồi tháng 7/2022 dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giúp giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu ngày càng trầm trọng do xung đột giữa Nga và Ukraine - nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới. Thỏa thuận đã 3 lần được gia hạn.
Một phần của thỏa thuận quy định trình tự đưa ngũ cốc từ các cảng do Ukraine kiểm soát, phần khác đề cập đến việc xuất khẩu nông sản và phân bón của Nga ra thị trường thế giới.
Tuy nhiên, giới chức Nga nhiều lần tuyên bố, phần liên quan đến Nga không được thực hiện, trong khi việc vận chuyển lương thực của Ukraine được đảm bảo.
Ngoài ra, ngũ cốc từ Ukraine được xuất khẩu không phải sang các nước nghèo nhất mà chủ yếu sang phương Tây.