Quy định rõ trình tự, thủ tục xử lý tài sản là cổ phiếu
Bộ Tư pháp cho biết, sau 9 năm thực hiện, Nghị định số 62/2015/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung đã phát huy hiệu quả, góp phần tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, nâng cao hiệu quả công tác THADS. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã bộc lộ những vướng mắc, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung ngay nhằm kịp thời tháo gỡ những “rào cản” từ Nghị định.
Để đáp ứng yêu cầu về việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mang tính cấp thiết trong quá trình tổ chức THADS, kịp thời thể chế hoá một số chủ trương, đường lối của Đảng liên quan đến xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cải cách tư pháp, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, kiểm soát quyền lực trong THADS thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định và thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 17/QĐ-TTg phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác THADS đối với các bản án, quyết định kinh doanh, thương mại giai đoạn 2023 - 2028, việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP là yêu cầu cần thiết hiện nay.
Theo Bộ Tư pháp, pháp luật về THADS hiện nay không có quy định riêng về việc xử lý cổ phiếu để thi hành án mà chỉ có quy định về thu giữ, xử lý giấy tờ có giá để thi hành án. Hiện nay, cơ quan THADS vướng mắc trong quá trình xác minh, xử lý cổ phiếu, đặc biệt là thực hiện các thủ tục phong tỏa tài khoản chứng khoán, xử lý cổ phiếu đã niêm yết, đăng ký giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán để thi hành án. Do đó, dự thảo Nghị định hướng dẫn trình tự, thủ tục xử lý tài sản đặc thù là cổ phần, cổ phiếu, phần vốn góp nhằm tháo gỡ vướng mắc, bất cập và thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 17/QĐ-TTg.
Xử lý theo quy định nếu “còn tài sản khác”
Theo quy định của Nghị định hiện hành, việc áp dụng biện pháp bảo đảm, cưỡng chế thi hành án phải tương ứng với nghĩa vụ của người phải thi hành án và các chi phí thi hành án theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp tài sản duy nhất của người phải thi hành án lớn hơn nhiều lần so với nghĩa vụ thi hành án mà tài sản đó không thể phân chia được hoặc việc phân chia làm giảm đáng kể giá trị của tài sản; tài sản bảo đảm đã được bản án, quyết định tuyên xử lý để thi hành án hoặc trường hợp quy định.
Thực tiễn cho thấy, trong nhiều trường hợp cơ quan THADS đã kê biên tài sản tương ứng nghĩa vụ thi hành án nhưng quá trình xử lý, giá trị tài sản không còn đáp ứng điều kiện tương ứng nghĩa vụ thi hành án và chi phí xử lý tài sản thi hành án (do biến động giá, do bán đấu giá nhiều lần không có người mua nên phải giảm giá; tài sản có tranh chấp được Tòa án thụ lý giải quyết kéo dài...), trong khi người phải thi hành án vẫn còn tài sản khác thì họ đã thực hiện việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất đối với các tài sản khác, dẫn đến việc nếu tài sản trước đó chấp hành viên kê biên tương ứng nhưng không đủ, không còn căn cứ để kê biên tiếp thì việc xử lý tài sản khác gặp khó khăn.
Do đó, dự thảo quy định: Trường hợp cơ quan THADS đang áp dụng biện pháp bảo đảm, cưỡng chế thi hành án tương ứng với nghĩa vụ của người phải thi hành án và chi phí thi hành án theo quy định mà người phải thi hành án còn tài sản khác thì chấp hành viên có văn bản đề nghị cơ quan liên quan có thẩm quyền thông báo ngay cho cơ quan THADS khi phát sinh các giao dịch liên quan đến tài sản để phối hợp xử lý theo quy định pháp luật.
Dự thảo cũng quy định hướng dẫn chấp hành viên thực hiện lựa chọn tổ chức đấu giá không giới hạn về địa giới hành chính để đảm bảo tính cạnh tranh, công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện và phù hợp với pháp luật về đấu giá tài sản. Theo đó, quy định bổ sung tiêu chuẩn lựa chọn tổ chức bán đấu giá theo hướng trường hợp đương sự không thỏa thuận được việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản thì chấp hành viên lựa chọn tổ chức bán đấu giá để ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản theo pháp luật về đấu giá tài sản mà không giới hạn việc lựa chọn tổ chức bán đấu giá trên địa bàn có tài sản để đảm bảo tính cạnh tranh, công khai, minh bạch của hoạt động này: “Trường hợp đương sự không thỏa thuận được việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản thì chấp hành viên lựa chọn theo pháp luật về đấu giá tài sản”.
Ngoài ra, dự thảo cũng bổ sung quy định hướng dẫn khoản chi phí cưỡng chế, bảo quản tài sản khi đã tiến hành tổ chức cưỡng chế xong nhưng việc thi hành án phải đình chỉ trong một số trường hợp (đương sự chết, giải thể; bản án bị hủy) là chi phí cần thiết khác do ngân sách nhà nước trả theo Điều 73 Luật THADS để phù hợp với thực tế trong quá trình tổ chức thi hành án…