Đề xuất các hành vi bị cấm khi mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

Đề xuất các hành vi bị cấm khi mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
(PLVN) - Bộ Y tế đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Dự thảo nêu rõ, cặp vợ chồng vô sinh và phụ nữ độc thân có quyền sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa; cặp vợ chồng vô sinh có quyền nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Vợ chồng nhờ mang thai hộ, người mang thai hộ, trẻ sinh ra nhờ mang thai hộ được bảo đảm an toàn về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và được pháp luật tôn trọng, bảo vệ. Việc thụ tinh trong ống nghiệm, cho và nhận noãn, cho và nhận tinh trùng, cho và nhận phôi, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện.

Việc cho và nhận tinh trùng, cho và nhận phôi được thực hiện trên nguyên tắc vô danh giữa người cho và người nhận; tinh trùng, phôi của người cho phải được mã hóa để bảo đảm bí mật nhưng vẫn phải ghi rõ đặc điểm của người cho, đặc biệt là yếu tố chủng tộc. Việc thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm phải tuân theo quy trình kỹ thuật; quy định tiêu chuẩn sức khỏe của người được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, mang thai và sinh con do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.

Bên cạnh đó, dự thảo quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm khi mang thai hộ vì mục đích nhân đạo gồm: Quảng cáo, môi giới hoặc tổ chức, thực hiện mua, bán tinh trùng, noãn, phôi vì mục đích thương mại. Quảng cáo, môi giới hoặc tổ chức, thực hiện mang thai hộ vì mục đích thương mại. Lạm dụng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm khi không có chỉ định. Chuẩn đoán và lựa chọn giới tính phôi, thai nhi. Quảng cáo, môi giới dịch vụ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm khi chưa được Bộ Y tế công nhận được thực hiện kỹ thuật này.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm gồm: Bệnh viện chuyên khoa phụ sản, chuyên khoa sản - nhi; Bệnh viện đa khoa có khoa sản, phụ sản; Bệnh viện chuyên khoa nam học và hiếm muộn.

Về cơ sở vật chất, yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải có phòng hồi sức cấp cứu; có xét nghiệm nội tiết sinh sản; có đơn nguyên riêng cho việc thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm gồm các phòng chọc hút noãn, lấy tinh trùng, lab nuôi cấy, xét nghiệm và lọc rửa tinh trùng đáp ứng các tiêu chuẩn theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.

Về trang thiết bị y tế: Có tối thiểu các trang thiết bị y tế: 2 tủ cấy CO2; 2 tủ ấm; 1 bình trữ tinh trùng; 1 máy ly tâm; 1 bình trữ phôi đông lạnh; 1 máy siêu âm có đầu dò âm đạo; 1 kính hiển vi đảo ngược; 2 kính hiển vi soi nổi; 1 bộ tủ thao tác.

Nhân sự trực tiếp thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm phải đáp ứng các yêu cầu: Có ít nhất 2 bác sỹ được đào tạo về kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và 2 cán bộ có trình độ đại học y, dược hoặc sinh học được đào tạo về phôi học lâm sàng; 2 bác sĩ lâm sàng phải có chứng chỉ hành nghề theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Các nhân sự phải có văn bằng, chứng chỉ hoặc chứng nhận đã được đào tạo về kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm do cơ sở đào tạo trong nước hoặc nước ngoài cấp. Các nhân sự phải có xác nhận đã thực hành ít nhất 20 chu kỳ điều trị vô sinh bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm do cơ sở đã được Bộ Y tế công nhận được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm cấp.

Đọc thêm

Quy định mới nhất về việc tổ chức học thêm, dạy thêm

Ảnh minh họa
(PLVN) - Thông tư 29/2024 quy định rõ, giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Không giải thích rõ ràng cho bên mua về quyền lợi bảo hiểm bị phạt tới 100 triệu đồng

Ảnh minh hoạ.
(PLVN) - Theo quy định tại  Nghị định số 174/2024/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm vừa được Chính phủ ban hành, hành vi không giải thích rõ ràng, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm bị phạt tới 100 triệu đồng.