Tách riêng quy định về phòng cháy với nhà ở và nhà ở kết hợp kinh doanh
Báo cáo một số vấn đề lớn của dự thảo Luật tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội (QH) Lê Tấn Tới cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu QH, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp với Cơ quan soạn thảo nghiên cứu tách nội dung về phòng cháy đối với nhà ở thành 2 điều là Điều 18 về phòng cháy đối với nhà ở và Điều 19 về phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh. Đồng thời, bổ sung đầy đủ, phù hợp hơn các nội dung quy định đối với 2 loại hình này tại dự thảo Luật, bảo đảm yêu cầu về điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC), thoát nạn.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn tán thành với việc tách quy định về PCCC đối với nhà ở và nhà ở kết hợp kinh doanh thành 2 điều riêng, đồng thời bổ sung các nội dung quy định đối với 2 loại hình này tại dự thảo Luật. “Thực tế, những vụ cháy vừa qua đối với loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh đã để lại rất nhiều kinh nghiệm, bài học đắt giá. Do đó, cần đúc kết để đưa vào luật nhằm hạn chế tối đa hậu quả khi xảy ra cháy”, Chủ tịch QH yêu cầu. Cùng với đó, Chủ tịch QH cũng đề nghị rà soát kỹ để bảo đảm khi đặt ra những quy định mới đáp ứng yêu cầu về PCCC và cứu nạn, cứu hộ; bảo đảm tính hợp lý, không gia tăng quá mức chi phí tuân thủ pháp luật cho các tổ chức và cá nhân.
Đề cập đến vấn đề PCCC đối với chung cư cao tầng, Chủ tịch QH nêu bất cập là chung cư cao tầng thường xảy ra việc cháy nổ nhưng khi cháy thì không có thang cao để chữa cháy. “Khi phê duyệt xây dựng cho bao nhiêu tầng thì phải bảo đảm có thể có thang chữa cháy bao nhiêu tầng. Ở nước ta, ý thức PCCC cũng còn rất yếu, nấu nướng, thờ cúng, sử dụng hệ thống điện rất bất cẩn, không bảo đảm yêu cầu về trang thiết bị sử dụng điện”, Chủ tịch QH nói và đề nghị nghiên cứu, có quy định về áp dụng Luật.
Cũng quan tâm tới quy định về PCCC với chung cư cao tầng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh cho rằng, cần bổ sung thêm quy định về PCCC đối với các chung cư mới để phòng ngừa sự cố xảy ra. “Kinh nghiệm quốc tế đã có thì phải cân nhắc có quy định. Chúng ta cần có quan điểm phòng ngừa vì khi sự cố xảy ra sẽ rất khó khắc phục”, ông Vũ Hồng Thanh nói.
Cân nhắc việc luật hóa lộ trình tăng thuế giá trị gia tăng
Cũng trong ngày 14/8, Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH cho ý kiến về dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) (sửa đổi). Lộ trình tăng mức thuế suất phổ thông 10% là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến. Trình bày Báo cáo một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của QH Lê Quang Mạnh cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban đề nghị bổ sung vào khoản 3 Điều 9 dự thảo Luật lộ trình tăng thuế suất thuế GTGT từ mức 10% lên 11% vào ngày 1/1/2028 và lên mức 12% vào ngày 1/1/2030. “Lộ trình này không ảnh hưởng đến mục tiêu ổn định và tăng trưởng kinh tế trong thời gian 4 - 5 năm tới và bảo đảm sự rõ ràng, minh bạch để các doanh nghiệp có thể tính toán, hoạch định kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp”, ông Lê Quang Mạnh nói.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn đề nghị tính toán hết sức kỹ lưỡng, thận trọng lộ trình tăng mức thuế suất phổ thông 10%, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế hiện còn nhiều khó khăn, điểm xuất phát còn thấp. Chủ tịch QH đề nghị cân nhắc không quy định lộ trình tăng thuế trong Luật mà giao Chính phủ nghiên cứu để trình QH xem xét, quyết định.