Nhiều trường hợp cần thiết phải áp dụng biện pháp tạm giữ
Hiện nay, Điều 122 Luật XLVPHC quy định chỉ được áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính trong trường hợp cần ngăn chặn, đình chỉ ngay những hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác.
Tuy nhiên, qua theo dõi thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, phản ánh của các bộ, ngành, địa phương và ý kiến đóng góp đối với dự thảo Luật, Chính phủ cho rằng, việc quy định những trường hợp được áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính như Luật hiện hành là tương đối hẹp, gây khó khăn cho việc thi hành Luật XLVPHC. Thực tiễn hiện nay cho thấy, có rất nhiều trường hợp cần thiết phải áp dụng biện pháp tạm giữ người để tiến hành xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ hoặc để ngăn chặn người vi phạm hành chính bỏ trốn, tẩu tán, tiêu hủy hàng hóa, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính như: chống người thi hành công vụ, trộm cắp tài sản, đánh bạc, các hành vi khác chiếm đoạt tài sản, vận chuyển hàng cấm trong nội địa, hành vi liên quan đến ma túy…, nếu không tạm giữ hành chính thì đối tượng bỏ trốn, gây khó khăn cho công tác xác minh, xử lý về sau.
Do vậy, để bảo đảm tính đầy đủ, khắc phục bất cập trong thực tế hiện nay, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người có thẩm quyền trong thực hiện pháp luật, dự thảo Luật bổ sung một số trường hợp phải tạm giữ người theo thủ tục hành chính như: Để xác minh nhân thân, nơi cư trú của người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật và tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính; để xác định tình trạng nghiện ma túy…
Nhiều ý kiến đồng tình tuy nhiên còn một số ý kiến khác thì cho rằng, tạm giữ hành chính “để xác minh nhân thân và tình tiết của vụ việc VPHC mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt”, “để xác định tình trạng nghiện ma túy” là quá rộng, chưa chặt chẽ, có thể ảnh hưởng đến quyền con người, quyền cơ bản của công dân đã được Hiến pháp quy định. Do đó, phải rà soát kỹ quy định này; đồng thời, nghiên cứu kỹ thời hạn tạm giữ để phù hợp với từng trường hợp.
Sẽ sử dụng thêm thiết bị để phát hiện vi phạm hành chính
Sau thời gian thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 cho thấy, quy định về việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong việc phát hiện vi phạm hành chính gặp một số vướng mắc trong thực tiễn áp dụng do phạm vi lĩnh vực được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ còn hạn hẹp, chưa có quy định cụ thể về quy trình “chuyển hóa” kết quả thu được từ các phương tiện, thiết bị do các cá nhân, tổ chức cung cấp thành chứng cứ để xác định vi phạm hành chính;
Các hành vi vi phạm hành chính diễn biến ngày càng phức tạp về tính chất, tinh vi hơn về mức độ và nhiều hơn về số lượng trên các lĩnh vực, có những hành vi không thể dùng “mắt thường” hoặc kinh nghiệm để phát hiện mà đòi hỏi phải sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, cần nghiên cứu mở rộng các lĩnh vực được sử dụng phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ trong việc phát hiện hành vi vi phạm hành chính.
Hiện nay, các phương tiện, kỹ thuật được sử dụng khá phổ biến, từ camera đặt xung quanh các trụ sở cơ quan, vườn hoa, công viên, phố đi bộ, các thiết bị giám sát hành trình của phương tiện giao thông... đều có thể ghi nhận được các hành vi vi phạm hành chính. Việc xử phạt vi phạm hành chính dựa vào các thông tin trích xuất từ các phương tiện này sẽ rất văn minh, hiệu quả và tiết kiệm. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành lại không cho phép việc sử dụng kết quả thu được từ những thiết bị này để làm căn cứ xử phạt.
Để hạn chế những bất cập này, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng lĩnh vực được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính, bao gồm trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, cứu nạn, cứu hộ hoặc lĩnh vực khác do Chính phủ quy định sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; quy định rõ hơn về điều kiện, yêu cầu trong quản lý, sử dụng, quy định danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; điều kiện, yêu cầu trong sử dụng, bảo quản kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; giao Chính phủ quy định quy trình chuyển hóa kết quả thu được từ các phương tiện, thiết bị do các cá nhân, tổ chức cung cấp thành chứng cứ để xác định vi phạm hành chính.