Làm rõ hơn khái niệm “vũ khí quân dụng”, “vũ khí thô sơ”
Một nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến tại phiên họp là quy định bổ sung dao có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí thô sơ; trường hợp sử dụng dao có tính sát thương cao vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này. Tán thành với quy định trên, Đại biểu Nguyễn Việt Hà (Đoàn Tuyên Quang) chỉ ra rằng, trước đây, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP, đưa một số loại phương tiện, dụng cụ thuộc hung khí nguy hiểm, trong đó có dao phay, các loại dao sắc, nhọn để làm tình tiết định tội hoặc tình tiết định khung hình phạt.
Song, thực tế hiện nay có hiện tượng thanh, thiếu niên tự hoán cải, tự chế thêm vào các loại dao này để sử dụng làm công cụ phạm tội nhưng không xử lý được đối tượng phạm tội về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí vì trong Luật hiện hành không quy định dao là vũ khí. “Do vậy, việc bổ sung vào dự thảo Luật dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ là cần thiết. Đồng thời, để tránh vướng mắc trong thực tế khi loại dao này được sử dụng với mục đích sinh hoạt nên quy định không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật là phù hợp, bảo đảm tính khả thi”, Đại biểu nhấn mạnh.
Cũng tán thành việc bổ sung “dao có tính sát thương cao” vào nhóm vũ khí thô sơ nhưng Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Đoàn Bến Tre) đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ căn cứ mô tả chi tiết và phân loại vũ khí này theo chiều dài của lưỡi dao. Đồng thời, trên cơ sở kế thừa những định nghĩa hiện hành, Ban soạn thảo giải thích, làm rõ hơn về khái niệm “vũ khí quân dụng”, “vũ khí thô sơ” trong dự thảo Luật để tránh gây hiểu nhầm và dễ thực thi trong thực tiễn.
Phải có những biện pháp thực sự có tính khả thi
Cần nghiên cứu và có quy định chặt chẽ hơn đối với quy định bổ sung dao có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí thô sơ. (Ảnh minh họa: Nguyễn Hiếu) |
Trong khi đó, Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn Hưng Yên) băn khoăn về quy định tại điểm b khoản 4 Điều 3 dự thảo Luật, cụ thể: “Trường hợp sử dụng dao có tính chất sát thương cao vào mục đích lao động, sản xuất kinh doanh thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này”. “Thực tế, rất khó xác định được khi nào dao được xem là vũ khí, khi nào dao được sử dụng vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt. Có những trường hợp dao đang là vật dụng hàng ngày, sử dụng vào mục đích lao động, sản xuất, kinh doanh của người dân nhưng khi sử dụng để gây án thì nó được xem là vũ khí mang tính sát thương cao”, Đại biểu nhận định.
Do vậy, Đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ hơn, toàn diện hơn và có quy định chặt chẽ hơn để nội dung này bảo đảm căn cứ pháp lý, căn cứ thực tiễn, tránh xáo trộn, khó khăn trong đời sống sinh hoạt cũng như sản xuất thường ngày của người dân, bảo đảm tính khả thi khi triển khai thi hành sau khi Luật được Quốc hội thông qua.
Đại biểu Đồng Ngọc Ba (Đoàn Bình Định) cũng cho rằng, từ thực tiễn, cần thiết phải có biện pháp mạnh để răn đe, trừng trị những đối tượng sử dụng dao có tính sát thương cao trong các vụ án hình sự và can thiệp sớm. Song, theo Đại biểu, nếu không đi vào bản chất, tính năng của vũ khí để xác định vũ khí quân dụng mà căn cứ vào mục đích của đối tượng thực hiện hành vi sẽ rất khó trong thực tiễn. “Nếu đi theo hướng này, phải có những biện pháp thực sự có tính khả thi để bảo đảm các lực lượng chức năng không làm oan sai những người liên quan đến chế tạo, vận chuyển, sử dụng dao có tính sát thương cao”, Đại biểu nói.