Chấm dứt tình trạng người vay mù mờ thông tin
Dịch vụ cho vay tiêu dùng đáp ứng nhu cầu của nhiều người dân khi cần số tiền nhỏ, giải ngân nhanh, thủ tục đơn giản. Trên thị trường hiện nay, dịch vụ này được cung cấp chủ yếu bởi các ngân hàng, công ty tài chính được cấp phép tổ chức tín dụng và các tổ chức cá nhân hoạt động không có giấy phép.
Chính vì thế, theo các chuyên gia, việc quản lý hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính cần được cân nhắc kỹ để bảo đảm cân bằng. Nếu buông lỏng quản lý thì có thể gây ra những hậu quả tiêu cực như lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm, đòi nợ bằng các biện pháp không phù hợp, mất an ninh trật tự… Nhưng nếu siết quá chặt lại làm việc cung cấp và sử dụng dịch vụ này trở nên quá khó khăn, chi phí cao, thúc đẩy hoạt động ngầm của thị trường, tạo cơ hội cho các cá nhân, tổ chức cho vay không có giấy phép phát triển và có thể gây hậu quả xã hội lớn hơn.
Trong bối cảnh đẩy lùi “tín dụng đen” đang là trọng tâm chính sách của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, cần sửa đổi các quy định pháp luật về hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính theo hướng thông thoáng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này kinh doanh, đồng thời tập trung xử lý những vấn đề về bất đối xứng thông tin giữa người cung cấp và sử dụng dịch vụ.
Dùng cẩm nang để ràng buộc trách nhiệm
Khoản 4 và khoản 5 Điều 10 Thông tư 43/2016/TT-NHNN về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính quy định, công ty tài chính phải: cung cấp dự thảo hợp đồng cho khách hàng trước khi ký; giải thích chính xác, đầy đủ, trung thực nội dung hợp đồng; niêm yết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung tại trụ sở, điểm giới thiệu dịch vụ và website; lấy xác nhận của khách hàng về việc đã được cung cấp đầy đủ thông tin về hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung.
Tuy nhiên, trên thực tế, có trường hợp công ty tài chính, nhân viên công tài chính không thực hiện đầy đủ quy định này. Pháp luật cũng không có quy định về chế tài hay hệ quả pháp lý bất lợi nào cho các công ty tài chính khi không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trên.
Do vậy, các chuyên gia pháp lý và doanh nghiệp cho rằng, cần nghiên cứu bổ sung các quy định chặt chẽ hơn về nghĩa vụ cung cấp thông tin của công ty tài chính cho khách hàng.
“Có thể nghiên cứu bổ sung quy định Ngân hàng Nhà nước ban hành một văn bản “Những điều cần biết trước khi vay tiêu dùng” với dung lượng ngắn gọn (một trang giấy), trong đó chứa các nội dung: Tóm tắt những quyền và nghĩa vụ cơ bản của khách hàng vay tiêu dùng theo quy định của pháp luật, website của Ngân hàng Nhà nước cung cấp thông tin về cho vay tiêu dùng” – văn bản của VCCI tổng hợp ý kiến góp ý vào dự thảo Thông tư 43/2016/TT-NHNN về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính đề nghị: “Khi giao kết hợp đồng vay tiêu dùng, công ty tài chính phải cung cấp cho khách hàng hai bản sao của văn bản trên, một bản khách hàng giữ (có chữ ký của nhân viên giao dịch) và một bản công ty tài chính giữ (có chữ ký của khách hàng) ”.
VCCI cũng kiến nghị, trong trường hợp có tranh chấp, nếu công ty tài chính không xuất trình được bản sao “Những điều cần biết trước khi vay tiêu dùng” theo mẫu của Ngân hàng Nhà nước và có chữ ký của khách hàng thì không được hưởng lãi suất của khoản vay.
Xem xét lập chuyên trang về hoạt động cho vay tiêu dùng
Hiện nay, website của Ngân hàng Nhà nước đã công bố danh sách các công ty tài chính được cấp phép định kỳ 6 tháng một lần. Tuy nhiên, các thông tin này mới chỉ dừng lại ở danh sách giấy phép chứ chưa có tác dụng hỗ trợ thông tin cho người vay tiền.
Cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị Ngân hàng Nhà nước lập chuyên trang về hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính, gồm những thông tin: Danh sách các công ty tài chính cho vay tiêu dùng được cấp phép; Danh sách điểm giới thiệu dịch vụ; Quy định nội bộ cho vay tiêu dùng; Khung lãi suất; Văn bản Những điều cần biết trước khi vay tiêu dùng, các câu hỏi thường gặp (FAQ) và văn bản pháp luật có liên quan.