Để tránh thảm họa lặp lại ở Làng Nủ

Các chuyên gia, các nhà khoa học tại Hội thảo. (Ảnh trong bài: VNUS)
Các chuyên gia, các nhà khoa học tại Hội thảo. (Ảnh trong bài: VNUS)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - PGS. TS Nguyễn Châu Lân - Phó trưởng Bộ môn địa kỹ thuật, Khoa Công trình, Trường Đại học Giao thông vận tải cho biết: “Bước đầu chúng tôi xác định nguyên nhân gây nên thảm họa Làng Nủ là lũ bùn đá. Theo đó, có tới 1,6 triệu m³ bùn đất, đá và nước xuất phát từ đỉnh núi Con Voi cách Làng Nủ 3,6km đã dội xuống thôn”.

1,6 triệu m³ đất đá, bùn trút xuống Làng Nủ trong 5 phút

Vừa qua, Khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội đã tổ chức Hội nghị khoa học “Thảm họa Làng Nủ - Nguyên nhân và giải pháp phòng tránh” với sự tham dự của nhiều chuyên gia địa chất sau chuyến thực địa tại Làng Nủ trở về.

PGS. TS Nguyễn Châu Lân cho biết: “Bước đầu chúng tôi xác định nguyên nhân gây nên thảm họa Làng Nủ là lũ bùn đá. Theo đó, có tới 1,6 triệu m³ bùn đất, đá và nước xuất phát từ đỉnh núi Con Voi cách Làng Nủ 3,6km đã dội xuống thôn”. Trong quá trình di chuyển khối đất đá đã bị tắc nghẽn tại một khu vực hẹp chỉ rộng khoảng 100m, cách điểm phát sinh sạt lở khoảng 2km. Vị trí này vô tình tạo thành một đập chắn tự nhiên, làm tăng nguy cơ vỡ lũ. Thời điểm xảy ra lũ, lượng mưa tại khu vực rất lớn, với tổng lượng mưa tích lũy lên tới 633mm, trong đó lượng mưa theo giờ đạt 57mm, khiến khối lũ bùn đá di chuyển cực kỳ nhanh…

Các nhà khoa học sử dụng mô hình 3D kết hợp dữ liệu thực địa và ảnh vệ tinh để tính toán, đã xác định, dòng lũ chỉ mất khoảng 5 phút (300 giây) để từ đỉnh núi tràn xuống ngôi làng. Kết quả mô phỏng cho thấy chiều sâu tích tụ dòng bùn là 8 - 15m, nơi sâu nhất khoảng 18m, vận tốc dòng chảy rất lớn tới 20m/giây. Do đó, thời gian chảy từ trên núi xuống (cho cả quãng đường 3,6km) là khoảng 10 - 15 phút.

PGS. TS Nguyễn Châu Lân cho biết thêm, tại khu vực xã Bảo Khánh, lượng mưa tích lũy ngày 9/9 là 500mm. Như vậy, nhiều khả năng ở khu vực đỉnh núi Con Voi đã phát sinh trượt lở ban đầu từ ngày 9/9 nhưng người dân ở thôn Làng Nủ chưa ai cảm nhận được sẽ có lũ bùn đá.

Theo PGS Nguyễn Châu Lân, lũ bùn đá là một trong số hàng loạt thiên tai có ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng con người và cơ sở hạ tầng. Dòng lũ bùn đá khác với dòng lũ thông thường ở chỗ dòng lũ bùn đá có cả đất, đá và nước. Khi có trượt lở đất đá, nếu có độ chênh lệch về độ cao và mưa tích lũy thì sẽ tạo dòng chảy. Trong dòng chảy đó có đá ở phía trên, dòng nước chảy phía dưới, tạo ra sự va chạm rất lớn. Trên đường đi của dòng lũ, bùn lẫn đá dịch chuyển sẽ phá hủy nhà cửa và các công trình nằm trong dòng chảy của nó.

Theo PGS Nguyễn Châu Lân, thực tế cho thấy một số nhà dân khu vực hình quạt phía dưới vẫn an toàn, nhờ vị trí đủ cao so với phạm vi dòng chảy của lũ. Qua đó cho thấy, nếu lượng mưa giờ lớn hơn 40mm, lượng mưa tích lũy trên 200mm, cơ quan chức năng có thể xem xét để cảnh báo người dân về nguy cơ trượt lở, lũ bùn đá, từ đó xác định các khu vực có địa hình, địa chất, đặc điểm tương tự để giúp người dân tìm cách phòng tránh an toàn.

Một trong những giải pháp được vị chuyên gia đề cập là che phủ các vết nứt bằng vải bạt, kết hợp với hệ thống dẫn và thoát nước ngang, nhằm ngăn nước thấm sâu vào lòng đất, hạn chế nguy cơ sạt lở. Theo PGS.TS Nguyễn Châu Lân, đây là biện pháp đơn giản mà các địa phương có thể nhanh chóng triển khai, sau đó sử dụng các phương án kỹ thuật khác để xử lý vết nứt.

Cần xây dựng bản đồ rủi ro

PGS TS Nguyễn Châu Lân, Phó trưởng Bộ môn địa kỹ thuật, Khoa Công trình, Trường ĐH Giao thông vận tải thông tin về nguyên nhân ban đầu xảy ra thảm họa ở Làng Nủ.

PGS TS Nguyễn Châu Lân, Phó trưởng Bộ môn địa kỹ thuật, Khoa Công trình, Trường ĐH Giao thông vận tải thông tin về nguyên nhân ban đầu xảy ra thảm họa ở Làng Nủ.

PGS.TS Nguyễn Châu Lân cho hay, hiện nay các tỉnh miền núi như Hà Giang, Lào Cai… đã xuất hiện nhiều vết nứt địa chất cần có các biện pháp ứng phó để hạn chế tối đa các “thảm họa”.

Cùng với đó, GS.TS Đỗ Minh Đức đánh giá: “Khu vực có điều kiện địa hình, địa chất và đặc biệt phân bố dân cư tương tự như Làng Nủ không phải là cá biệt mà ngược lại, khá phổ biến tại khu vực miền núi Việt Nam”.

Về phòng tránh trượt đất đá quy mô lớn, GS.TS Đỗ Minh Đức cho rằng: Khối trượt lớn chỉ xảy ra khi có biến dạng lớn (dấu hiệu tiên quyết là khe nứt tách trên sườn dốc). Việc rà soát khe nứt cần thường xuyên bằng phương pháp thủ công hoặc flycam,… Cần lưu ý, một số khe nứt sẽ không dẫn ngay đến trượt lở. Các hoạt động trên đất dốc có thể xóa nhòa dấu vết của khe nứt, nhưng một khi đã xuất hiện khe nứt, mái dốc sẽ không thể tự “liền lại” được nữa và nguy cơ trượt lở luôn tiềm ẩn. Bên cạnh taluy đường giao thông, nhà ở, các mái dốc rừng sản xuất đã qua một vài lần khai thác và trồng lại hoặc có hoạt động trên mái dốc như xây dựng công trình, tháp viễn thông, đường dây tải điện… đều cần được lưu ý.

Về phòng tránh lũ bùn đá, GS.TS Đỗ Minh Đức và nhóm nghiên cứu đưa ra quan điểm: Khối trượt lớn xảy ra lân cận sông, suối, đất, đá tràn vào, kết hợp với năng lượng dòng chảy hiện có, dịch chuyển nhanh, mạnh, phạm vi tác động và khả năng gây thiệt hại sẽ rất lớn. Vì vậy, cần chủ động rà soát dọc các suối nhánh, dòng chảy phát hiện đoạn nghẽn dòng; phát huy vai trò của các cán bộ cơ sở thôn, bản, tổ, đội thanh niên xung kích phòng tránh thiên tai. Đáng lưu ý, trên một dòng chảy có thể có một hay nhiều điểm nghẽn.

PGS.TS Tạ Đức Thịnh - Chủ tịch Hội Địa chất công trình và Môi trường Việt Nam cho biết: “Chúng ta đã xây dựng và vận hành hệ thống cảnh báo sớm tương đối đầy đủ đến tận xã, thôn, bản. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn trong cảnh báo sớm như mạng lưới đo mưa còn mỏng, chưa dự báo được mưa cực đoan trong diện rất hẹp. Đặc biệt, cả Việt Nam cũng như thế giới đều chưa thể dự báo chính xác ở thời điểm cụ thể nào, tại vị trí cụ thể nào có thể xảy ra lũ quét hay trượt lở đất.".

Để theo dõi mưa lớn, có thể sử dụng ứng dụng Windy và VRAIN; theo dõi nguy cơ sạt lở từ http://luquetsatlo.nchmf.gov.vn/. Ngoài ra, có thể cảnh báo theo thời gian thực, triển khai theo email, ứng dụng di động, tin nhắn SMS.

GS.TS. Đỗ Minh Đức và nhóm nghiên cứu đã đưa ra giải pháp tổng thể kết hợp cả trước mắt, trung và dài hạn để phòng tránh thảm họa tương tự Làng Nủ như sau: Giải pháp trước mắt (chủ động ứng phó): Xây dựng bộ cơ sở dữ liệu, thành lập hệ thống bản đồ các tỷ lệ, từ đó khoanh định được các khu vực có rủi ro cao. Lưu ý các loại hình trượt lở, lũ quét khác nhau. Bản đồ, cơ sở dữ liệu các đối tượng chịu tác động về tự nhiên, nhân sinh. Xây dựng bản đồ rủi ro và các kịch bản ứng phó phục vụ quản lý, kiểm soát rủi ro, đảm bảo an toàn với thiên tai trên các vùng đất dốc.

Mưa là yếu tố chủ yếu kích hoạt trượt lở. Các hệ thống quan trắc mưa hiện tại cần có mật độ cao hơn; phát hiện sớm mưa lớn cực đoan. Các hệ thống quan trắc chuyên sâu về ổn định mái dốc; nâng cao độ chính xác công tác dự báo qua ứng dụng phân tích dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo; Tăng cường truyền thông thông tin cảnh báo sớm, đảm bảo chính quyền các cấp, đặc biệt là người dân trong vùng bị tác động của trượt lở nắm bắt thông tin kịp thời, chính xác và hiểu rõ các hành động cần triển khai khi có yêu cầu.

Mô hình khái quát của dòng lũ bùn đá gồm 3 bộ phận chính-khu vực phát sinh, khu vực cung cấp nguồn vật liệu bùn đá, khu vực vận chuyển và khu vực tích tụ và gây thiệt hại chính.

Mô hình khái quát của dòng lũ bùn đá gồm 3 bộ phận chính-khu vực phát sinh, khu vực cung cấp nguồn vật liệu bùn đá, khu vực vận chuyển và khu vực tích tụ và gây thiệt hại chính.

Cảnh báo và hành động sớm: Khi rủi ro trượt lở đạt đến mức rủi ro cấp 1 theo nghị định của Chính phủ, chính quyền địa phương cần hạn chế người và phương tiện lưu thông lân cận các khu vực nguy cơ cao, tới rủi ro cấp 2 và cao hơn, cần cấm các phương tiện lưu thông qua các khu vực nguy cơ cao; di chuyển dân trong khu vực nguy cơ cao đến nơi an toàn và chỉ quay lại khi không còn cảnh báo nguy cơ trượt lở.

Phát huy hiệu quả vai trò của các cán bộ cơ sở xã, thôn, các tổ đội xung kích phòng tránh thiên tai, như phát hiện sớm các dấu hiệu trượt lở, lũ quét. Chính quyền và người dân cần chú ý đến tính bất thường và cực đoan của thời tiết trong bối cảnh biến đổi khí hậu và chuẩn bị kịch bản ứng phó với những tình huống khó khăn nhất.

Các giải pháp trung hạn: Ưu tiên đảm bảo an toàn các khu vực tập trung dân cư. Kiểm soát được tác động tiêu cực của nước mưa và nước mặt: thu thoát nước mưa, nước mặt để giảm tải tác động nhân sinh lên đất dốc, trong một số trường hợp cần có cả thoát nước ngầm. Bảo vệ, phát triển rừng đầu nguồn. Xây dựng quy trình, hướng dẫn và kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng các công trình dân dụng, giao thông, thủy lợi, thủy điện,… trong vùng có rủi ro trượt lở.

Thời gian tới cần xây dựng hệ thống quan trắc đủ bao phủ các điểm để cảnh báo lũ quét, sạt lở đất cũng như hệ thống công trình đập ngăn bùn đá và công trình phụ trợ. Để thực hiện các giải pháp quan trắc, cần có nghiên cứu tiền khả thi như khảo sát kỹ đặc điểm cấu trúc địa chất, địa chất thủy văn, công trình, làm rõ có đứt gãy hoạt động hay không và mô hình hóa, dự báo khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Với công trình tại vùng có nguy cơ sạt lở cao, cần thực hiện xẻ rãnh thoát nước trên các mạch nước chảy ra từ chân núi ra đường giao thông. Đồng thời tạo nhiều bậc dọc sườn - ta luy đường để thiết kế phù hợp.

“Tuy nhiên, để có thêm những thông tin chính xác về nguyên nhân gây ra cơ chế lũ ở thôn Làng Nủ sáng 10/9, các nhà khoa học cần tiếp tục nghiên cứu, đo đạc hiện trường để xác định nguyên nhân chính xác của dòng bùn tích tụ, từ đó xác định các khu vực tương tự có địa hình, địa chất, dòng chảy tương tự. Có thế chúng ta mới đưa ra được những khuyến cáo cần thiết phục vụ vấn đề quy hoạch, giúp người dân tìm được các vị trí an toàn để ở”, PGS Nguyễn Châu Lân đề xuất…

Về lâu dài, PGS Trần Lê Lựu - điều phối viên Chương trình thạc sĩ Công nghệ, Tái sử dụng và quản lý nước (Trường Đại học Việt Đức) cho rằng, cơ quan chức năng cần làm tốt công tác quy hoạch nhà ở lưng chừng núi và thung lũng. Không xây dựng nhà cửa ở sát các triền núi đề phòng nguy cơ lũ quét và sạt lở đất. Cần trồng rừng phủ kín đồi núi trọc. Lắp đặt các rọ đá, lưới sắt ở các lưng chừng núi để chống sạt trượt và rửa trôi đất. Trước mỗi mùa mưa bão, các cơ quan chuyên môn cần làm khảo sát, đánh giá khả năng lũ quét tại khu vực mình đang ở và có kế hoạch chuẩn bị diễn tập, sơ tán khi cần thiết.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông làm việc tại Lào Cai

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tặng quà lưu niệm cho Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Lào Cai.
(PLVN) -   Sáng 14/10, Đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông do ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số làm Trưởng đoàn đã làm việc với ngành thông tin và truyền thông tỉnh Lào Cai.

Khi bạo lực học đường lên bàn nghị sự

Các đại biểu trẻ em tại phiên thảo luận Tổ. (Ảnh: PV)
(PLVN) - Bạo lực học đường vẫn luôn là vấn đề nhức nhối. Trong phiên thảo luận tổ của Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ II vừa qua, các đại biểu đã đưa ra những đề xuất từ góc nhìn trong cuộc sâu sắc, đa chiều về phòng, chống bạo lực học đường…

Hệ lụy của yêu vội, sống bản năng trong giới trẻ

Yêu nhanh, cưới vội, mang thai ngoài ý muốn để lại hệ quả khôn lường cho chính người trong cuộc và thế hệ sau. (Ảnh minh họa - Nguồn: TK)
(PLVN) - Mới đây, vụ việc bé trai 6 tuổi bị cha ruột tạt nước sôi, hành hạ khiến bé bị bỏng nặng, nhập viện với nhiều vết thương nghiêm trọng đã khiến dư luận phẫn nộ. Đằng sau câu chuyện bạo hành, còn có một góc khuất khác cần quan tâm đến, đó là sự thiếu trách nhiệm trong việc yêu đương, sinh con của một bộ phận người trẻ.

Tăng 'sức đề kháng' ngăn chặn nạn lừa đảo trên mạng với người cao tuổi

Công nghệ giúp người cao tuổi có công cụ giải trí, kết nối, nhưng đồng thời tiềm ẩn nhiều rủi ro bị lừa đảo. (Ảnh: Kỷ lục)
(PLVN) - Trong kỷ nguyên số, người cao tuổi trở thành nhóm đối tượng yếu thế, dễ bị lợi dụng trên môi trường mạng. Thực tế đã chứng kiến không ít trường hợp người cao tuổi bị lừa với số tiền lớn, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cả về tài chính lẫn tinh thần. Câu hỏi đặt ra là cần làm gì để ngăn chặn vấn nạn này?

Công nghệ giúp người cao tuổi vượt khủng hoảng tâm lý

Lớp học công nghệ miễn phí dành cho người cao tuổi. (Ảnh: Ngọc Ngân)
(PLVN) - Tình trạng người cao tuổi ở Việt Nam bị “bỏ rơi” và không hòa nhập với con cháu đang ngày càng trở thành một vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tâm lý của họ. Trong bối cảnh này, việc áp dụng công nghệ vào hỗ trợ khủng hoảng tâm lý cho người cao tuổi không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho chính họ, mà còn giúp giảm bớt gánh nặng cho gia đình và cộng đồng.

Y tế số chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

Chuyển đổi số tạo sự thuận lợi cho người cao tuổi khi đến khám, chữa bệnh. (Hình minh họa - Nguồn: BHXH Việt Nam)
(PLVN) - Trong những năm qua, chuyển đổi số trở thành trọng tâm công tác của ngành Y tế, việc ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng khoa học công nghệ góp phần cải thiện chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người dân. Đặc biệt, với người cao tuổi, chuyển đổi số còn giúp ngành Y tế chủ động thích ứng với già hóa dân số, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Muôn cách chinh phục công nghệ ở 'tuổi xế chiều'

Các tỉnh, địa phương cần chủ động mở các lớp học công nghệ giúp người cao tuổi sống vui khỏe, an toàn. (Nguồn: Kênh 14)
(PLVN) - Thời đại khoa học, công nghệ phát triển, đối với người trẻ là một ưu thế lớn khi họ dễ dàng học hỏi, bắt kịp với thời đại. Ngược lại, người già gặp nhiều trở ngại, khó khăn khi áp dụng những công nghệ mới. Vì vậy, hiện nay, để phục vụ cuộc sống, rất nhiều người cao tuổi đã đăng ký các lớp học công nghệ.