Gọi là thẻ xanh, nhưng đây thực chất là là giấy chứng nhận sức khỏe hoặc mã QR ghi lại tình trạng tiêm chủng của chủ sở hữu, kết quả xét nghiệm virus SARS-CoV-2 của họ trong thời gian gần nhất hoặc xác nhận họ đã từng mắc COVID-19 và phục hồi.
Và khi đã chứng minh được sự "an toàn" của bản thân, tấm thẻ này cho phép người dân sử dụng các dịch vụ công cộng, di chuyển giữa các nước mà không cần cách ly (hoặc cách ly với thời gian ít hơn), được tham gia các sự kiện tụ tập đông người, giảm bớt các quy định phòng dịch, qua đó đưa cuộc sống dần trở về bình thường.
Nhiều nước châu Âu cũng đang áp dụng thẻ xanh vắc xin dưới dạng thẻ cứng hoặc ứng dụng điện tử để cho phép người nào đó vào nhà hàng hay các địa điểm công cộng khác như quán bar, phòng tập gym, viện bảo tàng mà không phải đeo khẩu trang hay giãn cách.
Ít nhất 14 quốc gia EU đang sử dụng thẻ xanh COVID-19 gồm Áo, Síp, Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Đức, Italia, Latvia, Lithuania, Luxembourg, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Cộng hòa Ireland và Slovenia. Tuy nhiên, ở mỗi quốc gia lại có một quy định khác nhau.
Ví dụ, tại Bỉ, người sở hữu thẻ xanh vắc xin được phép tham gia các sự kiện trong không gian khép kín với số lượng lên đến 1.500 người kể từ ngày 1/9.
Trong khi đó, người dân Italia cũng bắt đầu sử dụng cái gọi là thẻ xanh này. Nó sẽ trở thành một trong số những giấy tờ tùy thân mà bất cứ người dân Italia nào cũng cần mang theo mình mỗi khi muốn mua vé đi tàu, máy bay, xe khách hay tàu thủy, nhưng không bao gồm cà phê hoặc nhà hàng ngoài trời. Trong trường hợp ai đó khai báo sai hay đưa thẻ giả, hệ thống sẽ kiểm tra và buộc nộp phạt lên đến 1.000 euro (khoảng 27 triệu VNĐ).
Còn Pháp yêu cầu “thẻ xanh COVID-19” đối với tất cả những người đến những nơi công cộng có sức chứa từ 50 người trở lên như: rạp chiếu phim, nhà hát, bảo tàng, nhà hàng, quán bar, quán cà phê, câu lạc bộ, phương tiện di chuyển đường dài, các sự kiện công cộng… Từ ngày 9/8, những người sống ở Pháp cũng cần thẻ xanh để tham gia các sự kiện trên 1.000 người.
Từ cuối tháng 9, “thẻ xanh COVID-19” sẽ được mở rộng với tất cả những người trên 12 tuổi. Thẻ xanh chỉ được cấp cho người đã tiêm đủ vắc xin COVID-19, hoặc đã phục hồi COVID-19 trong vòng 6 tháng, hoặc có kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 48 giờ.
Một số tiểu bang của Đức yêu cầu “thẻ xanh COVID-19” đối với việc ăn trong nhà hàng. Áo lại liệt kê cả hiệu cắt tóc trong những điểm đến cần “thẻ xanh COVID-19”. Luxembourg thì bổ sung thêm nhà hàng còn Bồ Đào Nha là các khách sạn.
Một số quốc gia đã điều chỉnh quy định trong mùa hè, ví dụ như số ca mắc mới giảm dần tại Hà Lan khiến chính phủ nước này tạm hoãn chương trình “thẻ xanh COVID-19” và cho phép nhà hàng, quán bar mở cửa đón mọi khách hàng.
Israel là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai chương trình tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 và áp dụng cơ chế thẻ xanh COVID-19. Thẻ này có hiệu lực trong tối đa 6 tháng sau khi tiêm đủ liều, hoặc trong vòng 72 giờ sau khi có kết quả xét nghiệm PCR âm tính. Israel đã dỡ bỏ cơ chế này, khi số ca nhiễm có xu hướng giảm, nhưng phải áp dụng trở lại từ cuối tháng 7 do số người mắc COVID-19 gia tăng.
Theo đó, những người muốn đến nhà hàng, quán bar, quán cà phê hay các địa điểm công cộng khép kín khác phải có chứng nhận đã tiêm đầy vaccine, đã có miễn dịch hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Israel không bắt buộc thẻ xanh vaccine với các sự kiện tổ chức ngoài trời bởi nguy cơ lây lan COVID-19 khi đó được cho là thấp, song những người tham gia vẫn phải tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội.
Còn tại Mỹ, dù chính quyền liên bang không ban hành chứng nhận COVID-19, đã có 7 bang tự phát triển hệ thống chứng nhận điện tử, với California và New York là 2 nơi áp dụng thẻ xanh vaccine cho những người đã tiêm vaccine COVID-19.
Ở Canada, nước láng giềng với Mỹ, tỉnh đông dân nhất là Ontario cũng sẽ cho áp dụng quy định xuất trình chứng nhận vaccine để vào các quán bar, nhà hàng, câu lạc bộ đêm và các cơ sở thể thao trong nhà từ ngày 22/9 tới.
Anh Quốc từ tháng 7 đã công bố kế hoạch cho phép người tiêm chủng đầy đủ được vào hộp đêm và các cơ sở tụ tập đông đúc, dự tính bắt đầu từ cuối tháng 9. Và để kiểm soát, họ sử dụng chứng nhận vaccine thông qua một ứng dụng trên điện thoại do Dịch vụ Y tế Quốc gia cung cấp, được gọi là NHS Covid Pass.
Chứng nhận này cho phép những người đã tiêm chủng 2 mũi không cần phải cách ly dù đến từ các nước có rủi ro cao. Nhưng dẫu vậy, tùy vào địa điểm và tình hình, họ vẫn có thể bị yêu cầu tự cách ly tại nhà trong một khoảng thời gian nhất định.
Trung Quốc đã triển khai hệ thống quét QR từ năm ngoái, trong đó phân chia các nhóm dân số theo màu. Màu xanh cho phép người dân đi lại mà không bị hạn chế. Người có mã màu vàng được yêu cầu tự cách ly tại nhà 7 ngày. Nhiều địa điểm công cộng ở Trung Quốc yêu cầu phải quét QR xác định một người có đủ điều kiện đi vào hay không.
Tháng 3 năm nay, Trung Quốc tiếp tục ra mắt giấy chứng nhận điện tử trong đó tích hợp thông tin về tình trạng tiêm chủng vắc xin, kết quả xét nghiệm của người sở hữu. Giấy chứng nhận này cũng được cấp cho cả công dân của họ và người nước ngoài ở Trung Quốc.
Dù còn một số tranh cãi về quyền tự do cũng như việc công nhận loại thẻ xanh COVID-19 ở các nơi khác nhau nhưng theo các chuyên gia, đây sẽ là xu thế vài tháng tới trên khắp thế giới để kinh tế phục hồi trong tình hình mới.