Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và còn có khả năng mạnh thêm.
Đến 7h ngày 4/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,4 độ Vĩ Bắc; 111,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông Nam bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (tức là từ 100 đến 135km một giờ), giật cấp 14-15.
Do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 8-10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11-12, giật cấp 14-15. Sóng biển cao từ 3-5m. Biển động dữ dội. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km.
Đến 7h ngày 5/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 22,0 độ Vĩ Bắc; 108,0 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt Nam – Trung Quốc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (tức là từ 75 đến 90km một giờ), giật cấp 10-11.
Do ảnh hưởng của bão, từ chiều tối mai (4/10) vùng biển Bắc vịnh Bắc Bộ có gió mạnh 6-8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 11-12. Sóng biển cao từ 2-4m. Biển động rất mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3. Từ đêm mai, ở các tỉnh Đông Bắc Bắc Bộ và vùng núi phía Bắc có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển chậm theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5-10km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp.
Trước khả năng cơn bão số 4 đang vào biển Đông có khả năng ảnh hướng đến nước ta, chiều qua, 2/10, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì họp khẩn với Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và các tỉnh để bàn giải pháp ứng phó.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải lưu ý các địa phương không được chủ quan khi gần đây có hiện tượng bão vào gần bờ mạnh lên, thiệt hại trong bão không đáng kể nhưng thiệt hại do mưa bão thì rất lớn.
Các tỉnh ven biển chú ý vấn đề thông tin, tuyên truyền cho người dân, tiếp tục theo dõi, kiểm đếm nắm bắt tình hình hoạt động của tàu thuyền, thông báo kịp thời, đầy đủ cho các phương tiện, ngư dân biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh. Khu vực nguy hiểm được xác định là phía Bắc biển Đông.
Phó Thủ tướng yêu cầu sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho người, tài sản các khu vực nguy hiểm, vùng trũng thấp, ven sông ven biển. Chủ động cấm biển trong những ngày tới khi xác định vùng bão đổ bộ và vào gần bờ. Chú ý vấn đề thoát lũ, tiêu nước, bảo vệ hoa màu, giao thông đi lại và thông tin truyền thông.
Đối với khu vực miền núi, theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, đặc biệt là mưa lũ, rà soát và sẵn sàng phương án di dời dân cư vùng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt là các khu vực hầm lò mỏ than, khoáng sản tại tỉnh Quảng Ninh đã bị thiệt hại do mưa lũ vừa qua.
Các tỉnh tổ chức trực ban, tiếp tục kiểm tra hiện trạng các hệ thống đê điều, hồ chứa, công trình phòng lũ, sẵn sàng các phương án phòng chống lũ đảm bảo an toàn đê theo cấp báo động.
Đến chiều tối 2/10, các lực lượng chức năng đã thông báo, kiểm đếm và hướng dẫn cho 46.049 phương tiện, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản với 231.312 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh. Hiện trên khu vực Bắc biển Đông có 137 tàu/1.287 người, khu vực giữa biển Đông có 564 tàu/4.786 người.
Các hồ chứa phía Bắc hiện đạt 70-90% dung tích thiết kế, các hồ chứa tại Thanh Hóa, Nghệ An đạt 30-65% dung tích thiết kế. Trong khu vực miền Bắc, lúa Hè Thu đã thu hoạch xong, trong khi lúa vụ mùa có 1,1 triệu ha đã trỗ.