Gian lận công nghệ cao diễn biến phức tạp
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT mới chủ trì Hội nghị trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo quốc gia với Ban Chỉ đạo thi của 63 tỉnh/thành phố. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 được tổ chức cơ bản giữ ổn định như giai đoạn 2020 - 2023. Bộ GD&ĐT chỉ đạo chung, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì toàn bộ công tác tổ chức thi tại địa phương. Theo đó, các Hội đồng thi tổ chức coi thi trong các ngày 26, 27, 28 và 29/6/2024; chấm thi từ ngày 29/6/2024; công bố kết quả thi vào 8h00 ngày 17/7/2024, xét công nhận tốt nghiệp THPT ngày 19/7/2024. Để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, bảo mật, Bộ GD&ĐT đã ban hành kế hoạch về công tác thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. Theo đó, Thanh tra Bộ GD&ĐT đã tổ chức các đợt tập huấn nghiệp vụ cho các cán bộ cốt cán làm công tác thanh tra, kiểm tra. Bộ GD&ĐT cũng đã phân công, triển khai các đoàn thanh tra, kiểm tra trực tiếp công tác chuẩn bị thi tại các địa phương.
Báo cáo kết quả công tác phối hợp với Bộ GD&ĐT trong việc bảo đảm an ninh, an toàn cho kỳ thi, Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an cho biết, Bộ Công an đã ban hành kế hoạch chỉ đạo lực lượng công an địa phương bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn cho kỳ thi. Đến nay, 100% các đơn vị liên quan đã xây dựng kế hoạch bám sát chỉ đạo của Bộ Công an. Các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an cũng đã phối hợp với công an địa phương bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn cho Hội đồng ra đề thi và quá trình vận chuyển, giao nhận đề thi đến 63 Hội đồng thi cũng như tập huấn về phòng ngừa, xử lý tình huống gian lận bằng thiết bị công nghệ cao bảo đảm kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, bảo mật trên toàn quốc.
Theo Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, hình thức sử dụng công nghệ cao trong gian lận thi cử diễn biến rất phức tạp, thậm chí một số quốc gia đã có việc sử dụng AI trong gian lận thi cử. Các thiết bị định tuyến giờ đây không chỉ ở những vị trí cách xa trong vòng 25m mà được thiết kế nằm ngay ở đế giày. Vì vậy, việc phát hiện các thiết bị gian lận này sẽ ngày càng khó khăn hơn. Do đó, các hội đồng thi cần tăng cường công tác tập huấn phát hiện, nhận biết thiết bị công nghệ cao.
Tuyệt đối không để thí sinh mang thiết bị gian lận vào phòng thi
Để việc tổ chức kỳ thi đáp ứng các yêu cầu đề ra, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị Ban Chỉ đạo các cấp tiếp tục quán triệt đầy đủ, sâu sắc, nghiêm túc và cụ thể hóa những nhiệm vụ mà Thủ tướng đã nêu trong Chỉ thị số 15 ngày 16/5/2024. Trong đó, tập trung vào 5 nhiệm vụ chính, cốt lõi về công tác chỉ đạo, công tác phối hợp, công tác chuẩn bị, công tác tổ chức và công tác truyền thông.
Với một kỳ thi có hàng triệu thí sinh dự thi, hàng trăm nghìn cán bộ tham gia vào công tác thi, theo Thứ trưởng, không thể tránh khỏi những sơ suất, tình huống bất thường, do vậy, các địa phương cần tiên lượng trước và chủ động phương án dự phòng.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đặc biệt lưu ý, tuyệt đối không để thí sinh mang điện thoại, thiết bị gian lận vào phòng thi. Các lực lượng từ công an tới các thầy, cô giáo, bằng khả năng nghiệp vụ và bằng khả năng quan sát đã được tập huấn cần hết sức trách nhiệm để phát hiện và phòng ngừa.
Với phương châm cao nhất là không để bất cứ thí sinh nào vì điều kiện khó khăn về kinh tế hay cách trở về giao thông không được dự thi, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT chỉ đạo các địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các thí sinh dự thi. Đối với thí sinh ở vùng khó khăn, nơi cách trở về giao thông, phương tiện, ảnh hưởng của mưa bão cần tạo điều kiện để các em đến được điểm thi trước.