Bài viết về tác hại, rủi ro của vacxin phòng ngừa ung thư cổ tử cung được một hot facebooker tổng hợp và trích dẫn từ một số nghiên cứu, thống kê và các bài báo nước ngoài cho thấy, tiêm vắc xin ngừa virus HPV nhằm phòng tránh ung thư cổ tử cung có vẻ như là một phương pháp vô tác dụng, bởi chưa chắc virus HPV chính là nguyên nhân gây ra chứng ung thư này.
Đồng thời, bài viết cũng đưa ra nhiều dẫn chứng cho thấy đã nhiều trường hợp các thiếu nữ sau khi tiêm phòng virus đã bị biến chứng dẫn đến tử vong hoặc liệt suốt đời. Cũng như nhiều thông tin y tế từ các nguồn nước ngoài lan truyền trực tiếp về Việt Nam qua mạng xã hội, chưa qua các kênh chính thống, thông tin này đã gây ra một cuộc tranh cãi mạnh mẽ giữa hai luồng ý kiến: Hoàn toàn tin, bài bác việc tiêm phòng và đưa ra nghi vấn, phủ nhận độ tin cậy của bài viết.
Thực ra, phong trào bài bác tác dụng của vắc xin phòng ngữa các bệnh diễn ra đã hơn năm nay, không chỉ dừng ở câu chuyện về vắc xin ngừa HPV mới đây. Một nhóm các bà mẹ cũng trích dẫn nguồn từ báo chí và các nghiên cứu nước ngoài về tác hại của vắc xin, cộng với nhiều ca biến chứng sau khi chích vắc xin trong nước để lên tiếng kêu gọi cộng đồng các bà mẹ “nói không” với tiêm ngừa cho trẻ. Kết quả là có hàng loạt trẻ không được cha mẹ cho chích ngừa thuỷ đậu, ngừa uốn ván, viêm gan... Và cũng hàng loạt trẻ nhập viện sau khi nhiễm bệnh vì không được tiêm ngừa. Mới đây, nhiều bậc cha mẹ cũng cho rằng, virus viêm gan siêu vi B chỉ lây truyền qua đường máu, từ mẹ sang con và đường tình dục, thế nên việc chích vắc xin ngừa virus viêm gan siêu vi B cho trẻ từ trong bụng mẹ là việc vô ích và vô lý, để từ đó hàng loạt cha mẹ từ chối đi tiêm vắc xin cho con khi mẹ đang mang thai và khi bé ra đời.
Không chỉ đối với vắc xin, hiện trong cộng đồng các ông bố bà mẹ cũng đang lan truyền phong trào “tẩy chay” thuốc kháng sinh. Với lý do kháng sinh gây hại cho sự phát triển của trẻ, nhiều cha mẹ hoàn toàn không cho con sử dụng kháng sinh kể cả khi con đang mắc phải các chứng bệnh có nguy cơ nhiễm trùng.
Chính sự mù mờ, không rõ đúng sai và ưa tin theo các phương pháp “nghe nói”, truyền miệng hoặc “trên mạng chỉ”, nhiều người đã biến con và chính mình thành “vật thí nghiệm” cho những kiến giải, quan niệm sai lệch của mình, để lại những hậu quả nghiêm trọng. Điều đáng nói là trước vô vàn những trào lưu, thông tin sai lệch và sự mất phương hướng trong kiến thức và quan điểm phòng ngừa bệnh hiện nay, vẫn chưa nhiều những thông tin tuyên truyền chính thống mạnh mẽ và thuyết phục được đưa ra để đem lại kiến thức đúng đắn và niềm tin từ người dân.
Để người dân còn mơ hồ trong một rừng kiến thức y tế sai lệch, hậu quả sẽ không chỉ ở một thế hệ.