Công khai kết luận thanh tra để người dân giám sát
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn TP Đà Nẵng) nhất trí với các đại biểu về xử chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra.
Đại biểu cho rằng, trong dự thảo Luật, cụm từ không chồng chéo, trùng lặp được lặp lại nhiều lần nhưng thực tế cho thấy, tuy không trùng về nội dung, không trùng về thời điểm thanh tra nhưng có quá nhiều cuộc thanh tra, ngoài ra còn có thể có các cuộc kiểm toán thanh tra về địa phương.
“Cứ đoàn này đi, đoàn khác tới nên thời gian chuẩn bị nội dung, tài liệu phục vụ các đoàn quá nhiều, ảnh hưởng đến điều hành, hoạt động của địa phương”, đại biểu nói và đề nghị quy định số lượng không quá bao nhiêu cuộc thanh tra trong 1 năm đối với bộ, ngành, địa phương.
Thời gian ban hành kết luận thanh tra cũng là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng, dự thảo luật còn bỏ trống, chưa quy định rõ về việc chậm ban hành kết luận thanh tra.
“Thực tế cho thấy còn gần 30 cuộc thanh tra của các cơ quan thanh tra Trung ương đối với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đến nay vẫn chưa có kết luận. Thời gian chậm ban hành từ 1 năm đến hơn 6 năm theo Luật Thanh tra hiện hành nhưng chưa rõ nguyên nhân, trách nhiệm và thời điểm ban hành kết luận thanh tra”, đại biểu nêu vấn đề và đề nghị cần quy định rõ vấn đề chậm ban hành kết luận thanh tra trong dự thảo Luật.
Đồng quan điểm, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) cũng cho hay, có những cuộc thanh tra có quyết định thanh tra và thực hiện thanh tra từ năm 2015, 2016 nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận thanh tra.
Đại biểu băn khoăn việc giải quyết chậm ban hành kết luận thanh tra ra sao, nguyên nhân ở đâu, giải pháp khắc phục thế nào và chế tài ra sao. “Đây là vấn đề phải xem xét”, đại biểu nói.
Đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) cũng đề nghị nên quy định thời gian công khai đối với từng loại hình công khai kết luận thanh tra, như trên trang thông tin điện tử của cơ quan thanh tra hay theo hình thức niêm yết tại cơ quan của đối tượng thanh tra.
Đại biểu Mai Văn Hải phát biểu tại phiên họp. |
“Chúng ta không quy định thời gian thì mỗi nơi sẽ làm một kiểu, có những nơi hôm nay công khai nhưng có khi mai lại gỡ, như thế người dân sẽ không biết để giám sát việc thực hiện kết luận thanh tra, nhất là việc xử lý sau thanh tra. Tôi đề xuất là nên có quy định cụ thể về thời gian công khai và hình thức công khai", đại biểu nêu quan điểm.
Đảm bảo hiệu quả, hiệu lực của công tác thanh tra
Về vấn đề thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép hoặc bị thất thoát, đại biểu Mai Văn Hải cho rằng đây là nội dung rất quan trọng, đảm bảo hiệu quả, hiệu lực của công tác thanh tra.
Thực tế, hiện nay, tỷ lệ thu hồi sau kết luận thanh tra chưa đáp ứng được yêu cầu. Do vậy, đại biểu đề nghị trong dự thảo Luật cần phải có quy định chặt chẽ hơn để đảm bảo hiệu quả trong vấn đề xử lý, thu hồi tài sản thất thoát, tham nhũng do vi phạm; trao thêm quyền cho trưởng đoàn thanh tra và người ra quyết định thanh tra để kịp thời xử lý tiền, tài sản vi phạm, kể cả ngay trong quá trình thanh tra chứ không chờ sau khi có kết luận thanh tra mới ban hành các quy định để xử lý.
Đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu có quy định cụ thể hơn về xử lý trách nhiệm, quy đồng trách nhiệm đối với những người có liên quan đến việc thất thoát tiền, tài sản, của cải nhà nước để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các đoàn thanh tra cũng như các cơ quan thanh tra khi tiến hành thanh tra, xử lý các vi phạm.
Cũng quan tâm về vấn đề thu hồi tài sản, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (đoàn TP Hà Nội) chỉ ra rằng, quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 78, theo đó quy định người ra quyết định thanh tra có nhiệm vụ, quyền hạn chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm còn một số hạn chế, trong đó có việc không thống nhất với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và Luật Phòng, chống tham nhũng.
“Cả hai văn bản luật này đều quy định phải chuyển ngay các tài liệu, đồ vật hoặc chuyển ngay hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra và cả hai văn bản luật này đều quy định việc chuyển ngay tài liệu, đồ vật, hồ sơ sang cơ quan điều tra là trách nhiệm chứ không phải là nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định thanh tra”, đại biểu nói.
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà cũng cho rằng, quy định này không bảo đảm thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng về phòng, chống tội phạm nói chung và các tội phạm tham nhũng nói riêng, đó là xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, kịp thời áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, đất đai, phong tỏa tài khoản…
Đại biểu nhấn mạnh, tình trạng tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng tuy hàng năm đều tăng nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều so với số tài sản bị chiếm đoạt. Nhiều trường hợp hành vi tham nhũng xảy ra trong thời gian khá lâu mới bị phát hiện, đối tượng đã cất giấu, tẩu tán, hợp pháp hóa tài sản, thậm chí đã sử dụng phần lớn tài sản chiếm đoạt để tiêu xài, hoang phí nên khi bị phát hiện không còn khả năng khắc phục hậu quả.
Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung một số cụm từ vào một số các quy định cụ thể trong dự thảo Luật để đảm bảo thống nhất với các quy định của Bộ Luật Dân sự, Luật Phòng, chống tham nhũng và các luật liên quan.
Mỗi bộ, ngành, địa phương chỉ có một kế hoạch thanh tra hàng năm
Phát biểu tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu tại phiên họp, về hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp hành chính, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành việc giữ nguyên hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp hành chính như hiện nay gồm Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện để đảm bảo nguyên tắc “ở đâu có quản lý nhà nước, ở đó có thanh tra”, trên tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương, nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý sai phạm từ sớm, từ xa ngay từ cơ sở, nhất là đối với Thanh tra cấp huyện.
Do đó, sau khi Luật Thanh tra (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ quy định cụ thể việc kiện toàn, tổ chức nâng cao năng lực cho cơ quan thanh tra huyện đáp ứng các yêu cầu quản lý nhà nước hiện nay.
Về hệ thống cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã quy định việc thành lập Thanh tra Tổng cục thuộc Bộ với các tiêu chí cụ thể nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý minh bạch cho hoạt động thanh tra chuyên ngành tại các cơ quan này, đồng thời bảo đảm không phát sinh tổ chức, biên chế theo yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.
Dự thảo Luật đã chỉnh lý việc thành lập cơ quan thanh tra tại cơ quan thuộc Chính phủ như Bảo hiểm xã hội, Ủy ban Quản lý vốn, Ban Cơ yếu Chính phủ theo hướng quy định tiêu chí, nguyên tắc thành lập. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ có quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, hoạt động của các cơ quan này.
Về xử lý chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra và giữa hoạt động thanh tra với Kiểm toán Nhà nước; tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội dự thảo Luật đã chỉnh lý quy định cụ thể việc xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra Dự thảo Luật quy định rõ, mỗi bộ, ngành, địa phương chỉ có một kế hoạch thanh tra hàng năm. Dự thảo Luật quy định cụ thể trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước hàng năm phải đánh giá, tổng kết công tác thanh tra, kiểm toán để làm căn cứ xây dựng kế hoạch cho năm tiếp theo.