Theo kết quả điều tra của Viện Khoa học Môi trường và Xã hội, năm 2019, cho thấy, trong tổng số 1.880 công nhân được khảo sát, có đến 1.093 công nhân (chiếm 58,1%) cho biết, KCN không có nhà ở cho công nhân. Điều này phản ánh thực trạng, nhiều người lao động trong KCN chưa được đáp ứng nhu cầu về nhà ở.
Mặt khác, mặc dù có 787/1.880 công nhân (chiếm 41,9%) cho rằng trong KCN có nhà ở dành riêng cho công nhân, nhưng trên thực tế, nhiều công nhân chưa tiếp cận được nhà ở xã hội, bởi tiêu chí để được ở nhà ở xã hội rất khắt khe, mức thu nhập của công nhân còn thấp nên không thể thuê, mua được nhà ở xã hội.
Riêng Hà Nội, có 9/17 KCN đã đi vào hoạt động ổn định với hơn 145 nghìn lao động nhưng mới chỉ có bốn dự án nhà ở cho công nhân thuê với tổng công suất thiết kế 22.420 chỗ ở, trong đó hoàn thành được 8.388 chỗ ở.
Tại TP Hồ Chí Minh, theo tính toán năm 2020, có khoảng 400 nghìn công nhân làm việc tại ba KCN tập trung (bình quân mỗi năm tăng 2%), trong đó, số công nhân có nhu cầu về chỗ ở là 70%, tương ứng với 280 nghìn chỗ ở.
Trong khi hiện trạng quỹ nhà ở cho công nhân đã được đầu tư xây dựng lũy kế đến cuối năm 2017 mới đáp ứng khoảng 40 nghìn chỗ ở. Như vậy, thành phố cần phải phát triển thêm khoảng 240 nghìn chỗ ở (trong đó, doanh nghiệp đầu tư xây dựng khoảng 30 nghìn chỗ ở và hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng khoảng 210 nghìn chỗ ở theo hình thức xã hội hóa loại hình nhà trọ, phòng trọ cho thuê)…
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang thông tin, thực tế triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua, bức xúc về nhà ở của công nhân càng lộ rõ bất cập. Có những địa phương, tại một thôn ở gần các khu công nghiệp chỉ có hơn 1.000 dân, nhưng lại là nơi lưu trú của gần 10.000 công nhân lao động, điều này tạo nên sức ép rất lớn về mật độ dân số, gây áp lực về hạ tầng xã hội và dễ phát sinh các vấn đề về an ninh trật tự.
Theo thống kê, cả nước hiện chỉ có 214 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân với quy mô sử dụng đất khoảng 600ha (trong đó đã hoàn thành 116 dự án với diện tích đất hơn 250ha). Như vậy, mới chỉ có khoảng 41% diện tích đất được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng. Riêng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, đến nay, cả nước có 2.580.000m2, đủ bố trí cho khoảng 330 nghìn người lao động, chưa đáp ứng được nhu cầu về nhà ở của hàng chục triệu công nhân.
Theo ông Khang, những năm qua, mặc dù có nhiều chủ trương, biện pháp thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở dành cho công nhân, điển hình là việc Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách nhằm thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà ở xã hội. Nhưng các chính sách này tới nay chưa đủ mạnh, thiếu hấp dẫn các doanh nghiệp đầu tư, vì vậy, những bức thiết về nhà ở cho công nhân lúc nào cũng nóng bỏng.
“Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề nghị Chính phủ xây dựng chính sách đủ mạnh để có thể thu hút các nhà đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân, đặt mục tiêu rõ ràng để thực hiện. Đồng thời, cũng cần thiết phải bố trí một phần vốn ngân sách nhà nước để làm “vốn mồi” cho chương trình phát triển nhà ở cho công nhân, bởi chúng ta không thể khoán trắng nhà ở xã hội cho các nhà đầu tư thuộc thành phần kinh tế ngoài nhà nước. Cùng với đó, đề nghị Quốc hội xem xét đưa danh mục phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, xem xét, bổ sung trong kế hoạch vốn để thực hiện chính sách nhà ở xã hội, chăm lo cho công nhân - lực lượng đang trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội nhưng rất dễ bị tổn thương để hướng đến xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh” – ông Khang nhấn mạnh.
Còn ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, nguyên nhân chủ yếu của việc kết quả phát triển nhà ở xã hội chưa đạt mục tiêu đề ra trong chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đó là tại một số địa phương, trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, chưa thực hiện nghiêm quy định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội hoặc có bố trí nhưng lại ở những vị trí không thuận lợi hoặc chưa giải phóng xong mặt bằng... Điều đó dẫn đến thiếu quỹ đất sạch để triển khai dự án.
Thiết nghĩ, để giải quyết được các vấn đề đặt ra, các cấp, ngành, địa phương cần rà soát quỹ đất thực hiện, tiếp tục đơn giản hoá các thủ tục cấp phép xây dựng, tạo điều kiện vay vốn ưu đãi, có cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư các dự án nhà ở công nhân nhiều hơn nữa. Có như vậy mới hấp dẫn được các nhà đầu tư, từng bước giải quyết nhu cầu bức thiết của công nhân về nhà ở tại các KCN.