Để mỗi giờ đều có thể là 'Giờ Trái đất'

Rút phích cắm, tắt điện khi không dùng là những thói quen tốt. (Nguồn: Internet)
Rút phích cắm, tắt điện khi không dùng là những thói quen tốt. (Nguồn: Internet)
(PLVN) - Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, có hiệu quả đang là vấn đề cần thiết và cấp bách hiện nay, không chỉ của một cá nhân, một doanh nghiệp mà đó là vấn đề của cả một quốc gia.

Tiếng nói của Gen Z Việt Nam

Chưa bao giờ vấn đề tiết kiệm năng lượng lại được xã hội, đặc biệt giới trẻ Việt Nam, quan tâm nhiều như hiện nay. Điển hình trên các trang mạng xã hội như Facebook hay TikTok, không khó để bắt gặp những nội dung liên quan đến tiết kiệm năng lượng rất đa dạng như: các cách sử dụng điện hiệu quả, lý do chúng ta không nên lãng phí điện, những thói quen tiết kiệm điện,… do chính các bạn trẻ ở lứa tuổi Gen Z thực hiện. Những nội dung đủ đơn giản, ngắn gọn, rõ ràng, được truyền tải một cách tự nhiên, không hoa mỹ nhưng thông điệp lại có thể “chạm” tới đông đảo người xem ở nhiều độ tuổi khác nhau.

Từ những hành động nhỏ bé như rút phích cắm, tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, không cắm nhiều thiết bị điện vào các giờ cao điểm, tìm hiểu kỹ và sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện, bật điều hoà trên 26 độ C và để ở chế độ hẹn giờ…, ngày càng nhiều bạn trẻ muốn lan toả lối sống tối giản, tiết kiệm điện đến mỗi cá nhân trong cộng đồng để góp phần giảm “sức nóng” lên hệ thống cung ứng điện, đặc biệt vào trong những mùa nắng nóng, mùa cao điểm khi nhu cầu điện tăng cao.

“Chung tay tiết kiệm năng lượng” là tên của một nhóm riêng trên Facebook, nơi quy tụ những bạn trẻ quan tâm đến vấn đề tiết kiệm năng lượng. Mặc dù mới chỉ có hơn 40 bạn học sinh cấp 3, điểm đặc biệt của nhóm là các bạn trẻ trong nhóm đều rất cởi mở, ham học hỏi lẫn nhau và thường xuyên bổ sung, chia sẻ các kiến thức về giảm phát thải, trung hoà carbon (Netzero) và tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng thông minh để cùng nhau, động viên nhau hành động và thay đổi thói quen hàng ngày. Sự chia sẻ về kiến thức đã thúc đẩy nhóm bạn trẻ mở rộng mạng lưới “Chung tay tiết kiệm năng lượng” của mình trên các trang mạng xã hội với mong muốn lan toả mối quan tâm này đến với thật nhiều bạn trẻ khác.

H.Như (16 tuổi, Quảng Ninh), người thành lập nhóm “Chung tay tiết kiệm năng lượng” chia sẻ: “Cách đây 3 năm, xuất phát từ thực tế cuộc sống khi Như thấy tình trạng thiếu điện kéo dài ở nhiều nơi, nhất là vào mùa hè cao điểm, Như dần ý thức được năng lượng không tồn tại mãi mãi và sẽ dần bị hao hụt. Nếu chúng ta không biết cách sử dụng hợp lý nguồn năng lượng quý giá đó thì sẽ đến lúc nhân loại và chính bản thân Như sẽ phải đối mặt. Từ đó Như và các bạn trong trường có cùng mối quan tâm lập nhóm với mong muốn hình thành thói quen và kêu gọi mọi người xung quanh chung tay tiết kiệm năng lượng”.

Cũng giống như H.Như, ngày càng nhiều các bạn trẻ hưởng ứng phong trào tiết kiệm năng lượng thông qua những hành động nhỏ trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Những hành động dù nhỏ từ mỗi cá nhân nhưng khi nhiều cá nhân và cả một cộng đồng cùng chung tay hướng tới giảm thiểu tiêu thụ năng lượng thì sức lan toả, ảnh hưởng sẽ to lớn hơn nhiều.

Chia sẻ về thói quen tiết kiệm năng lượng của bản thân và gia đình, M.Trang (23 tuổi, Hà Nội) cho biết: “Từ bé tôi đã học được thói quen tiết kiệm điện của gia đình và đến tận bây giờ khi đã ra ở riêng tôi vẫn thực hiện việc tiết kiệm một cách nghiêm túc. Với kinh nghiệm tiết kiệm điện nhiền năm nên tôi có một số mẹo khá hay như ban ngày sẽ tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên, thay các bóng đèn trong nhà thành đèn led, điều chỉnh chế độ giặt bằng nước lạnh thay vì nước nóng, cắm nồi cơm điện trước bữa ăn 30 - 45 phút và ngắt ngay khi cơm chín…”.

Theo M.Trang, những hành động nói trên mặc dù rất đơn giản ai cũng làm được nhưng đó lại chính là những hành động thiết thực nhất mà mỗi người có thể thực hiện và lan toả đến với những người xung quanh. Nếu mỗi hành động thiết thực được thực hiện mỗi ngày sẽ nhắc nhở và giúp mọi người dần hình thành thói quen tiết kiệm năng lượng. Khi và chỉ khi việc tiết kiệm năng lượng trở thành thói quen hằng ngày thay vì chỉ là làm theo phong trào thì việc tiết kiệm mới thực sự hiệu quả.

Ai cũng có nhu cầu sử dụng điện nhưng cần tránh lãng phí. (Nguồn: Telegraph)

Ai cũng có nhu cầu sử dụng điện nhưng cần tránh lãng phí. (Nguồn: Telegraph)

Lối sống tiết kiệm điện lan toả toàn cầu

Đứng trước cuộc khủng hoảng năng lượng đang ngày càng tiến gần, nhiều quốc gia trên thế giới nỗ lực triển khai nhiều chiến dịch tiết kiệm điện sáng tạo, hiệu quả nhằm lan toả thông điệp này tới tất cả mọi người, kêu gọi sự chung tay, góp sức của toàn xã hội.

Nhật Bản là một trong những ví dụ thành công với các chiến dịch tiết kiệm năng lượng hiệu quả, thú vị. Một trong những chiến dịch nổi tiếng nhất tại đất nước hoa anh đào phải kể đến “Cool Biz” (Công sở mát mẻ) do được phát động vào mùa hè năm 2005. Theo đó, chiến dịch khuyến khích các nhân viên ăn mặc những bộ quần áo đơn giản, mát mẻ và giảm sử dụng điều hoà trong những tháng mùa hè. Trong chiến dịch “Cool Biz” lần thứ nhất, Nhật Bản đã cắt giảm được 460.000 tấn khí thải CO2, tương đương lượng khí thải của 1 triệu hộ gia đình thải ra trong mỗi tháng.

Ngoài Nhật Bản, có những quốc gia khác thậm chí đưa nghĩa vụ tiết kiệm năng lượng vào các quy định cứng trong chính sách. Điển hình như Pháp, các cửa hàng phải đóng kín cửa khi bật điều hoà. Nếu vi phạm lần đầu họ sẽ bị phạt tiền và nếu vi phạm nhiều lần các cửa hàng sẽ buộc phải đóng cửa. Bên cạnh đó, các cửa hàng bán lẻ và các siêu thị lớn tại Pháp cũng đồng ý tắt các bảng hiệu được chiếu sáng ngay khi đóng cửa hàng và giảm cường độ chiếu sáng một cách có hệ thống. Các cơ sở công cộng cũng sẽ đặt máy điều nhiệt cao hơn vào mùa hè và thấp hơn vào mùa đông. Người dân cũng được yêu cầu tắt bộ phát sóng wifi và ti-vi khi đi vắng và tắt đèn trong các phòng không sử dụng.

Quốc gia tỷ dân Ấn Độ cũng không nằm ngoài xu hướng tiết kiệm năng lượng. Chính phủ nước này đang thúc đẩy các sáng kiến lắp đặt hệ thống tiêu thụ điện hiệu quả ở hộ gia đình. Theo đó, một số sản phẩm tiết kiệm được cung cấp cho người dân như quạt tiết kiệm 50% điện, bóng đèn led tiết kiệm 90% điện. Trong giai đoạn thử nghiệm, hơn 15 vạn hộ gia đình được sử dụng những sản phẩm này.

Với hàng loạt kế hoạch và mục tiêu, các quốc gia đang hướng tới thay đổi thói quen sử dụng năng lượng của người dân, đồng thời cấu trúc lại hệ thống sản xuất và sử dụng điện năng từ hộ gia đình cho đến cơ sở công cộng. Có thể thấy, giải pháp quan trọng các quốc gia trên thế giới đều hướng đến trong việc tiết kiệm điện chính là tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức người dân về sự cần thiết của tiết kiệm điện, từ đó tiến tới thay đổi hành vi.

Một trong những sự kiện lớn nhất toàn cầu về tiết kiệm năng lượng là chiến dịch Giờ Trái đất. Đây là sự kiện quốc tế hằng năm do Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên khởi xướng từ năm 2007 nhằm kêu gọi người dân, doanh nghiệp tắt đèn và các thiết bị điện không ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt trong 60 phút (từ 20 giờ 30 đến 21 giờ 30 ngày Thứ Bảy cuối cùng của tháng 3 hàng năm). Mục đích của Giờ Trái đất nhằm đề cao việc tiết kiệm điện năng, làm giảm lượng khí thải nhà kính, đồng thời thu hút sự chú ý của mọi người về bảo vệ môi trường. Mỗi năm, chiến dịch Giờ Trái đất sẽ được phát động với mỗi chủ đề khác nhau, năm 2023 là chủ đề “Tiết kiệm điện - Thành thói quen”. Tại Việt Nam, đây cũng là thông điệp của Chương trình tiết kiệm điện giai đoạn 2020 - 2025 thực hiện Chỉ thị 20/CT-TTg về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 - 2025 của Thủ tướng Chính phủ.

Từ câu chuyện của mỗi cá nhân, cộng đồng đến câu chuyện của mỗi quốc gia, có thể thấy tiết kiệm năng lượng giờ đây không còn là ý tưởng hay phong trào nhỏ lẻ mà thực sự là một thói quen thiết thực có thể thay đổi cuộc sống con người trên toàn cầu. Theo đó, điều mà thế giới đang hướng đến không đơn giản chỉ là tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường trong 1 giờ đồng hồ, mà là xây dựng một lối sống có ý thức, có trách nhiệm trong suốt 365 ngày, để mỗi giờ trong năm đều là “Giờ Trái đất”.

Đọc thêm

Thay đổi lớn từ những hành động nhỏ

Lối sống xanh không chỉ là một xu hướng mà là một cách tiếp cận bền vững, giúp bảo vệ môi trường.
(PLVN) - Trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng toàn cầu, mỗi hành động nhỏ hàng ngày của chúng ta đều có tác động lớn đến môi trường sống, góp phần vào việc giảm thiểu tác động xấu đến Trái đất.

Nỗ lực hơn nữa để tiếp nhận động vật hoang dã bị tịch thu từ buôn bán trái phép

Giải chạy thu hút hơn 300 vận động viên đến từ 26 quốc gia. (Ảnh: ENV)
(PLVN) - Ông Lương Xuân Hồng - Giám đốc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã (ĐVHD) Hà Nội đã khẳng định điều này tại Giải “Chạy để cứu hộ ĐVHD” tại Việt Nam trong khuôn khổ Giải chạy “Song Hong Half Marathon” lần thứ 15 vừa được Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) phối hợp với Sporting Republic tổ chức.

Gấp rút hoàn thiện khung pháp lý về tín chỉ carbon

Ảnh minh hoạ.
(PLVN) -  Giai đoạn 2021 - 2025, Việt Nam đặt mục tiêu tạo ra 25 triệu tín chỉ carbon; là nhiệm vụ được lãnh đạo Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các Bộ, ngành triển khai thực hiện sau Hội nghị COP21 (năm 2015).

Thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng nhờ sáng kiến quản lý chất thải nhựa y tế

Sáng kiến quản lý chất thải nhựa y tế tại Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí (Quảng Ninh). Ảnh: Ngọc Nga
(PLVN) - Sáng kiến quản lý chất thải nhựa y tế đã giúp Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) thu về hàng trăm triệu đồng. Đây là đơn vị đầu tiên trong cả nước có giải pháp tái chế chất thải nhựa lây nhiễm bằng phương pháp hấp tiệt khuẩn hơi nước, mang lại hiệu quả về kỹ thuật, kinh tế, xã hội.

Ngày mai miền Bắc đón không khí lạnh

Ảnh minh hoạ: Ngọc Nga
(PLVN) - Theo Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia, khoảng ngày 6/12 bộ phận không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh Đông Bắc Bộ, sau đó sẽ tác động đến các khu vực khác.

Thả về biển cá thể đồi mồi dứa quý hiếm

Tình nguyện viên tiến hành cứu hộ cá thể rùa xanh.
(PLVN) - Ngày 5/12, thông tin từ Đội tình nguyện viên bảo tồn rùa biển xã Vĩnh Thái (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) cho biết, đã tổ chức thả cá thể đồi mồi dứa về với môi trường tự nhiên.

Tạo động lực thúc đẩy giao thông phát thải thấp

Xe máy xăng cũ là nguồn phát thải lớn gây ô nhiễm không khí. (Ảnh: DĐDN)
(PLVN) - Giao thông phát thải thấp đang trở thành ưu tiên trong chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam, với mục tiêu 100% phương tiện sử dụng năng lượng xanh vào năm 2050. Theo đó, tín chỉ carbon đang trở thành một trong những giải pháp cốt lõi nhằm tạo động lực đổi mới, đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch, hướng tới một hệ thống giao thông bền vững và hiện đại.