Dành thời gian cho con mình
Một người cha tốt, đầu tiên là người biết dành thời gian cho con cái của mình. Việc một người cha sắp xếp thời gian như thế nào sẽ nói cho đứa trẻ biết cái gì là quan trọng với ông. Đứa trẻ sẽ cảm nhận được sự gần gũi với cha của mình, không bị cảm giác bị bỏ rơi, cô đơn và tủi thân.
Việc chăm chút cho con trẻ là điều vô cùng cần thiết, để trẻ có sự quan tâm, đồng hành từ cha của mình. Mặt khác, việc chăm sóc con trẻ đồng nghĩa với việc chúng ta phải hy sinh nhiều thứ khác vì lợi ích của con. Có thể thay một buổi café với bạn bằng buổi đưa con đi chơi, mua sắm hay công viên chạy bộ. Sắp xếp thời gian bên con, gần con nhiều hơn sẽ giúp chúng ta hiểu con cái, cuộc sống, suy nghĩ, sở thích của trẻ.
Người cha dành thời gian cho con cái, cùng con mình vui đùa, xem phim hay cổ vũ con cái trong những trận thi đấu nào đó... Người cha sẽ dành thời gian lắng nghe những đứa con mình và có những cuộc chuyện trò vui vẻ, dễ chịu với chúng. Người cha cũng sẽ dành thời gian để giúp con mình hoàn thành bài tập nhà mỗi tối nếu cần thiết. Cha không chỉ là cha, mà còn là “người bạn lớn”, đồng hành trong những khoảnh khắc của con trẻ.
Dành thời gian cho con hàng ngày để xóa đi khoảng cách giữa con cái và ba mẹ |
Lắng nghe con nhiều hơn
Người cha luôn thông cảm, lắng nghe con cái của mình. Việc lắng nghe con là điều vô cùng quan trọng. Mỗi người chúng ta lớn lên, càng trưởng thành lại càng có tâm lý xa cha mẹ. Chúng ta ngại ngùng bày tỏ cảm xúc, câu chuyện, tâm tư suy nghĩ của mình với cha.
Vì vậy, giữa cha mẹ và con cái luôn có những khoảng cách vô hình nhất định. Có nhiều chuyện riêng tư chúng ta ngại bày tỏ. Vì vậy, người cha là người phá vỡ bức tường ngăn cách đó, một bước vào thế giới của con là một lần hiểu con nhiều hơn.
Mặc dù người cha có thể là một fan của bóng đá, nhưng nếu con trai của ông không cùng sở thích thì ông vẫn sẵn sàng chấp nhận. Người cha tốt là người lắng nghe sở thích của con, hiểu con, chấp nhận những thứ mình không thích để ngồi cùng con.
Như vậy, khoảng cách sẽ dần xóa nhòa, cha và con hiểu nhau hơn, con cái sẽ cảm thấy được cha quan tâm, lo lắng cho mình. Hãy lắng nghe nguyện vọng của con, động viên và ủng hộ những mong muốn tích cực và những ước mơ của trẻ.
Học cách chăm sóc con trẻ
Chăm sóc trẻ cũng là công việc cần phải học mới làm được, như cho trẻ ăn, nựng trẻ, thay tã cho đến việc chăm sóc khi chúng lớn và trưởng thành. Vì vậy, mỗi người cha không chỉ là trụ cột trong gia đình mạnh mẽ, quyết đoán mà còn phải cẩn thận, chịu khó và kiên nhẫn với con.
Vai trò của người cha trong việc nuôi dạy con cái là vô cùng quan trọng. Không chỉ san sẻ chăm sóc về vật chất mà cha còn là người dạy dỗ, khuyên bảo con cái trước mỗi ngã rẽ của cuộc sống. Chúng ta có thể chia sẻ kinh nghiệm, trách nhiệm với con cái chứ không thể làm thay con được. Ví dụ chuyện học hành ở lớp, nắm bắt kiến thức là việc của con, người bố không thể làm thay hoặc khi con mắc lỗi nên giải thích để chúng hiểu, tự nhận thấy cái sai và khắc phục.
Theo những nghiên cứu của các chuyên gia tâm lý ở Đại học Harvard (Mỹ) thì phần lớn những đứa trẻ đều có nhiều ước muốn nhận được sự che chở, nhu cầu về vật chất từ người cha còn người mẹ lại thiên về tình cảm.
Nói ngắn gọn là "ở bên cạnh cha" trẻ thấy yên tâm, vững tin hơn, chính điều này mà có những đứa trẻ cái gì cũng bố. Để đáp lại những nguyện vọng của trẻ, trước tiên phải là người cha có ảnh hưởng tốt, đáng tin cậy, lời nói phải đi đôi với việc làm và phải theo dõi sát sao các hoạt động của trẻ, biết cá tính, sở thích của trẻ để đáp lại một cách chính đáng, phù hợp với khả năng của mình.
Sự mạnh mẽ, cứng cỏi, từng trải của người cha sẽ giúp trẻ tạo được nhân cách, học được cách xử lý tình huống và hạn chế những cám dỗ dễ phạm phải. Là chỗ dựa cho con trong những tình huống bất trắc.
Hãy dạy dỗ và cho con những thói quen tốt
Biểu hiện của một ông bố là tốt từ chính những hành động nhỏ với bé. Những lời nói yêu thương dành cho trẻ là điều không thể thiếu đối với những ông bố tốt, sống có trách nhiệm. Các nghiên cứu khoa học đã cho thấy tình cảm của người cha có ảnh hưởng rất lớn đến mối quan hệ cha con.
Theo đó, nếu người cha giàu tình cảm thì đứa trẻ sẽ tiếp nhận được những nhân sinh quan tốt. Người cha phải biết cách đánh thức, khơi dậy những cảm xúc tốt đẹp để con cái cảm nhận và kế thừa, giúp chúng nhận thức được cái tốt - cái xấu, điều hay, lẽ phải.
Ngược lại nếu sống quá khô khan, xa lánh trẻ... sẽ tạo ra hố ngăn cách vô hình và bất lợi, hình thành những suy nghĩ cực đoan, tự ti và thù địch ở trẻ trong tương lai. Vì vậy, hãy dạy dỗ con trẻ bất cứ lúc nào đồng hành cùng con, khi con mắc lỗi, khi con đang tìm tòi khám phá.
Có rất nhiều ông bố cho rằng việc dạy dỗ là của thầy cô giáo ở lớp học. Nhưng không phải vậy, cha là người thầy đặc biệt của con cái ngay chính cuộc sống sinh hoạt bình thường. Nếu một người bố biết tôn trọng sở thích của con sẽ khuyến khích con tư duy, sáng tạo, tự giác. Hay tận tâm lắng nghe, hỗ trợ con trên các thử thách học tập, khám phá thế giới xung quanh. Ví dụ có thể cùng con mày mò sửa một chiếc đài cũ, ngồi đọc sách, xem phim cùng con… Dạy con những điều tử tế ngay từ bé để con trẻ có thể học những điều hay lẽ phải trong cuộc sống. Luôn phân tích cho con những vấn đề đa diện, tránh sự vị kỷ, áp đặt lên suy nghĩ của con trẻ.
Tắt điện thoại và các thiết bị công nghệ và học cách sống hạnh phúc
Hiện nay, những chiếc smartphone và các thiết bị công nghệ đang dần chiếm lĩnh thế giới con trẻ. Bố mẹ bận lại để con một mình với chiếc điện thoại. Thời gian rảnh lại chăm chỉ online mà quên chơi với con.
Nhiều phụ huynh quá bận rộn với công việc mà lười biếng trong việc chăm sóc, trò chuyện, hỏi han con. Vì vậy, khi ở bên con trẻ hãy tập dần thói quen tắt điện thoại và thiết bị công nghệ. Vừa giúp bản thân thanh lọc những thói quen xấu như nghiện lướt web, đọc tin tức nhảm hay cho con xem những ấn phẩm độc hại.
Khi chúng ta quá chú tâm công việc, điện thoại, mạng xã hội, khoảng cách giữa cha mẹ và con cái ngày một xa rời dần. Thay vì một tiếng ngồi nói chuyện, tâm sự lắng nghe con thì dùng để online, tán gẫu… Quả thực là lãng phí thời gian ở bên con.
Vì vậy, hãy tắt điện thoại, máy tính và các thiết bị công nghệ dùng cho công việc khi trở về nhà để dành thời gian nhiều hơn cho gia đình, cho con. Hãy cùng con xây dựng một mối quan hệ gia đình đầm ấm, hạnh phúc để con biết học cách yêu thương mọi người….
Thật khó có một định nghĩa đầy đủ và chuẩn xác “như thế nào mới là một người cha tốt”. Tuy vậy, đối với mỗi người làm cha, điều quan trọng nhất là luôn lắng nghe, thấu hiểu và chỉ bảo con cái những điều tử tế.
Cố gắng để trở thành người cha tốt cho đứa con thân thương của bạn không phải là chuyện dễ và nó có thể làm cho nhiều người cha trẻ bỏ cuộc. Việc trở thành một người cha tốt bắt buộc bạn phải nỗ lực thật sự và đó là công việc sẽ đem đến cho bạn phần thưởng tuyệt vời hơn bất cứ khoản tiền nào mà bạn đã từng kiếm được.
Công việc làm cha hiện vẫn chưa bao giờ dừng lại, luôn theo sát cuộc sống của con từ khi lọt lòng đến khi trưởng thành. Một người cha tốt không chỉ cho con nhiều vật chất, của cải mà còn là chỗ dựa tinh thần vững chãi cho con tựa vào.