Năm 2010 nước ta bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng. Nhưng cũng chỉ sau 2 năm, từ năm 2012, Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa dân số và sẽ trở thành nước có dân số già vào khoảng năm 2035. Tốc độ già hóa dân số diễn biến nhanh tiềm ẩn nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực trầm trọng cho công cuộc phát triển đất nước.
Trong khi đó, với tuổi nghỉ hưu như hiện nay thì rất nhiều NCT vẫn còn sức khỏe và khả năng để làm những công việc phù hợp mang lại thu nhập cho bản thân, gia đình. Từ đó, câu hỏi đặt ra là: Làm gì để không lãng phí “tài sản” gần 12 triệu NCT?
Ngày càng nhiều NCT “ở lại” với thị trường lao động
Theo Bộ LĐ-TB&XH, độ tuổi nghỉ hưu đối với nữ hiện nay là 55 tuổi và nam là 60 tuổi. Từ độ tuổi này trở lên khi tiếp tục tham gia lao động thì được coi là lao động cao tuổi. Ở Việt Nam, tỷ lệ người lao động cao tuổi tiếp tục làm việc vẫn rất cao. Báo cáo Đánh giá tác động của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, có tới 60% người cao tuổi trong độ tuổi 60-69 đang làm việc.
Nhưng tỷ lệ làm việc của nhóm tuổi 70-79 và từ 80 tuổi trở lên giảm rất nhanh so với nhóm tuổi 60-69 (chỉ tương ứng là 30% và 11%). Tỷ lệ đi làm ở nam giới (45,3%) cao hơn nữ giới (34,9%). Như vậy, mỗi năm sẽ có khoảng 48.000 người trên tổng số 120.000 lao động nghỉ hưu sẽ tiếp tục làm việc. Những lao động cao tuổi tiếp tục làm việc xuất phát từ nhu cầu tăng thêm thu nhập phục vụ cho cuộc sống, mong muốn được đóng góp và cống hiến những kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình làm việc, làm chậm quá trình già hóa do tham gia làm việc.
Ông Đặng Văn Tân ở phường Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội về hưu ở tuổi 55. Sau một thời gian ngắn ở nhà phụ vợ kinh doanh, ông xin làm bảo vệ cho một công ty. Có thêm thu nhập, công việc lại gần với chuyên môn nên ông thấy đi làm khỏe hơn và tiếp tục được sinh hoạt trong tập thể.
Ông Tân cho biết: “Sau một thời gian ở nhà tôi thấy mình trì trệ, không nhanh nhẹn nên quyết định đi làm. Công việc hiện tại của tôi thực tế khá vất vả. Nhưng có đi làm tôi mới thấy cuộc sống có ích hơn. Trí tuệ, năng lực của mình vẫn còn được cống hiến”. Bà Nguyễn Thị Nhân ở Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Hà Nội nghỉ hưu đã 5 năm nay, nhưng hiện bà vẫn nhận làm kế toán cho một doanh nghiệp tư nhân.
Công việc không đòi hỏi bà phải đi làm thường xuyên, khá chủ động trong sắp xếp thời gian, mức thu nhập đi làm thêm cộng với nguồn lương hưu đủ cho bà một cuộc sống khá dư dật. Bà chia sẻ: “Mình có kinh nghiệm, lại còn sức khỏe, nếu ở nhà sẽ rất buồn và lãng phí, nên đi làm thêm vừa vui vẻ, vừa có thêm thu nhập, thêm những mối quan hệ mới”.
Ông Lê Quang Trung - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm - Bộ LĐ-TB&XH cho biết, một xu hướng khá phổ biến gần đây trên thị trường lao động là ngày càng nhiều NCT “ở lại” với thị trường lao động.
“Những NCT (lao động nam trên 60 tuổi và nữ trên 55 tuổi) có vị trí khá đặc biệt trên thị trường lao động, bởi đây là những người có kinh nghiệm, tích lũy được nhiều kinh nghiệm làm việc và có các kỹ năng làm việc tốt nhất. Họ cũng là những người có ý thức chấp hành và am hiểu pháp luật tốt hơn. Mặt khác, thỏa thuận giữa người lao động và sử dụng lao động dễ hơn. Qua khảo sát của chúng tôi, những người này ít bị tai nạn lao động hơn”, theo ông Trung.
Từ thực tế trên thị trường lao động, hiện có rất nhiều công việc NCT làm được mà không ảnh hưởng tới người trẻ. Cụ thể, họ có thể đảm nhiệm những công việc như bảo vệ, tạp vụ, kế toán, biên tập viên… Có tới 7 - 8 triệu NCT khi tham gia thị trường lao động tạo ra kích cầu tốt hơn. Nhất là khi Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số thì việc sử dụng người lao động là NCT rất cần thiết. Nhiều doanh nghiệp cho biết, trong tương lai nhu cầu sử dụng lao động cao tuổi còn có thể cao hơn.
Thiếu kênh việc làm cho người cao tuổi
Tuy nhiên, để NCT tìm được việc làm là điều không đơn giản. Hiện nay phần lớn người lao động nghỉ hưu ở nước ta chủ yếu là nghỉ ngơi và sống dựa vào lương hưu trong khi sức khỏe và khả năng vẫn còn. Chỉ có một số ít người tự tìm đến công việc như một niềm vui trong cuộc sống, nhưng lại rất thiếu thông tin về thị trường lao động.
Phần lớn họ tìm được việc là do mối quan hệ quen biết, người thân giới thiệu chứ hiện chưa có kênh thông tin tuyển dụng cho nhóm lao động này. Theo thống kê, cứ 10 lao động lớn tuổi tại các đô thị thì có bảy lao động làm việc trong khu vực phi chính thức. Trên các website tuyển dụng hiện nay, giới hạn tuổi mà nhà tuyển dụng yêu cầu thường từ 18 - 35 tuổi.
Người lao động trong nhóm từ 45 tuổi trở lên có rất ít lựa chọn việc làm, còn nhóm từ 60 tuổi trở lên hầu như không có việc làm cần đến họ qua các kênh tuyển dụng chính thức. Với người lao động từ 50 tuổi trở lên, công việc họ tìm được chủ yếu tập trung vào các việc như: bảo vệ, giúp việc gia đình, chăm sóc người già...
Nhìn ra quốc tế, ở Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước khác trên thế giới có riêng chương trình sử dụng người lao động cao tuổi để hỗ trợ cho NCT tìm việc, hỗ trợ cho chủ lao động là NCT. Thậm chí rất nhiều doanh nghiệp chỉ tuyển NCT. Việc nhận người lao động cao tuổi vào làm việc tại nhiều nước trên thế giới được coi là trách nhiệm xã hội và cấm mọi sự phân biệt, định kiến với người lớn tuổi về khả năng lao động của họ.
Người cao tuổi có vị trí khá đặc biệt trên thị trường lao động bởi kinh nghiệm và kỹ năng làm việc. Ảnh minh họa |
Quốc hội Nhật Bản đã thông qua bộ luật ổn định việc làm cho NCT vào năm 2013. Luật này yêu cầu mọi doanh nghiệp áp dụng tuổi về hưu với tuổi không trẻ hơn 60, đồng thời phải thực hiện một trong ba biện pháp: Xây dựng chế độ tuổi về hưu là 65; có biện pháp duy trì việc làm đến 65 tuổi; và bãi bỏ chế độ về hưu.
Bên cạnh đó, Chính phủ trợ cấp cho các doanh nghiệp tuyển dụng NCT thông qua các trung tâm nhà nước về ổn định việc làm, cũng như cho những doanh nghiệp có chế độ bảo đảm việc làm cho nhân viên tuổi 65. Đến nay, phần lớn doanh nghiệp Nhật Bản đều đã xây dựng chế độ làm việc cho đến 65 tuổi.
Sẽ có sàn giao dịch việc làm cho người cao tuổi
Ở Việt Nam, thực tế cho thấy, kỹ năng và kinh nghiệm của lao động cao tuổi rất quý giá, nhưng vấn đề là họ sẽ tìm việc ở đâu? Sẽ có sàn giao dịch việc làm cho NCT là câu trả lời cho câu hỏi này. Được biết, Cục Việc làm đã tính đến việc sẽ tổ chức các sàn giao dịch việc làm dành cho NCT để tận dụng phát huy được và tạo điều kiện cho NCT đóng góp cho xã hội.
Bên cạnh đó, các hoạt động cụ thể, các doanh nghiệp, cơ quan tổ chức cần sử dụng NCT có thể liên hệ với trung tâm dịch vụ việc làm để có nguồn cung ứng. Bằng việc tham gia vào thị trường lao động, những người lao động cao tuổi không chỉ tạo ra một vị thế mới mà còn đảm bảo được chất lượng cuộc sống từ nguồn thu nhập do làm việc.
Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, cần sớm nghiên cứu, ban hành Chương trình hành động quốc gia về NCT để sớm có các giải pháp để ứng phó với vấn đề già hóa dân số, phát huy vai trò của NCT theo hướng tạo điều kiện để NCT còn khả năng lao động được tham gia làm việc. Theo người đứng đầu Bộ LĐ-TB&XH, thời gian qua cũng đã có một số chính sách khuyến khích NCT tham gia làm việc nhưng còn nhỏ lẻ, chỉ tập trung một số đối tượng.
“Đến thời gian nhất định, cũng cần nghiên cứu về vấn đề này. Điều này không chỉ khuyến khích những đối tượng khó khăn mà đôi khi còn là những chính sách động viên những người sống thọ. Thời gian tới, Bộ tiếp tục nghiên cứu, tính toán phương án hợp lý nhất”- ông Đào Ngọc Dung cho biết.
Liên quan đến chính sách cho NCT, khuyến khích NCT làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết vừa qua, tại cuộc họp của Ủy ban Quốc gia NCT, Bộ LĐ-TB&XH đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cần nghiên cứu chính sách để hỗ trợ NCT, kể cả những người sau hưu tham gia làm việc. “Một số quốc gia già hóa dân số họ đưa chính sách khởi nghiệp cho người già.
Nhật Bản dành một số công việc ưu tiên cho người già, đây cũng là nhu cầu chính đáng của NCT. Bộ kiến nghị Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cần tăng cường kiểm tra, giám sát với các bộ, ngành địa phương, nhất là địa phương chưa thực hiện tốt chính sách cho NCT; tăng cường chỉ đạo giám sát lồng ghép chương trình mục tiêu quốc gia”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.