Người xưa có câu “ Cá không ăn muối cá ươn. Cãi lời cha mẹ, trăm đường con hư” song thời bây giờ có lẽ nên “chỉnh” câu đó lại rằng “Con cãi cha mẹ, trăm đường… cha mẹ hư”. Sao vậy?.
Câu chuyện của tờ giấy trắng…
Thằng cháu tôi năm nay học lớp 11 nhưng gia đình đã phải đưa vào nhà bác trong TP.HCM để "cải tạo ”. Số là trước đây, anh chị tôi cũng là bố mẹ nó nhận thấy “hiệu quả” từ những cú đá đít, bạt tai hay “phóng chưởng” của mình nên thường xuyên sử dụng với thằng bé trong bất kỳ sai phạm nào. Bất ngờ cách đây một năm, cu cậu không còn tìm cách né tránh hay chạy trốn nữa.
Cho đến một hôm vì không chịu đi học thêm, bố cháu theo phản xạ cũ tung liền mấy “cước” vào người con, không những né tránh, thằng bé đứng nguyên hứng đòn, mắt vằn lên những tia máu... Kể từ đó nó lầm lỳ và khó bảo. Cảm thấy bất lực, anh chị tôi đã chuyển cháu vào nam để nhờ bác dạy.
Trước hôm đi, nó vô tình để quyển nhật ký trên bàn và tôi đã đọc được những dòng này: “Bố, mẹ đâu có xem mình là con. Bố, mẹ chỉ xem mình là cái thùng rác để xả. Nếu có cơ hội mình sẽ đi khỏi cái nhà này…” . Rút kinh nghiệm từ thằng anh, với thằng em năm nay lên bốn, anh chị tôi hết mực chiều chuộng con. Những yêu sách của cháu đều được anh chị đáp ứng vô điều kiện.
Rằm Trung thu vừa qua, tôi về thăm nhà và mua cho cháu một chiếc đèn lồng. Những tưởng sẽ được thằng cháu thân yêu đón nhận hồ hởi như bao đứa trẻ khác, ai ngờ cầm trên tay chiếc đèn lồng chưa đầy ba phút nó đã quăng đi không thương tiếc và tuyên bố: “Đèn của cậu nhỏ lắm, mẹ nói sẽ mua cho cháu cái đèn to như thế này này…”. Vừa nói nó vừa vòng tay ôm một vòng to gấp đôi, gấp rưỡi hơn cái đèn nó vừa vứt đi.
Tại sao anh chị tôi lại đi hết từ sai lầm này đến sai lầm khác trong việc dạy con như vậy? Câu hỏi này là quá lớn cho một đáp án đơn lẻ thuyết phục, nhưng có lẽ ai cũng hiểu rằng sự hình thành nên nhân cách một con người là tổng hoà của rất nhiều yếu tố, trong đó có ba yếu tố quan trọng nhất: gia đình, nhà trường và xã hội.
Mỗi một cá thể sinh ra thì gia đình luôn là nền tảng quan trọng đầu tiên cho sự bắt nguồn một nhân cách sống. Đứa con lớn lên trong vòng tay yêu thương, chăm sóc của cha mẹ thế nên sự ảnh hưởng trực tiếp của cha, mẹ đối với con cái là vô cùng lớn lao sâu sắc. Một câu nói của cha, một việc làm của mẹ có thể sẽ là một tôn chỉ một mục đích sống của đứa con. Hay nói cách khác, mỗi đứa trẻ đều là “tờ giấy trắng” và cha mẹ vẽ cái gì thì sẽ hiện hình hài cái đó.
… và tấm gương lớn nhất
Cuộc sống hiện đại, khi thời gian còn quý hơn vàng bạc, thì người lớn lúc nào cũng tất bật với hợp đồng, với tiệc tùng, với nhà, với xe…Để trấn an và biện minh cho sự bận rộn của mình, cha mẹ thường nghĩ nhà trường và xã hội bây giờ quá tiện ích, cứ có tiền là con thích học cái gì cũng có, thích công việc nào cũng “mua ” được. Thế nên, mới có chuyện cu Toàn con trai ông M. là một quan to trong ngành xây dựng đã đưa cho cô giáo một chiếc… phong bì để được bầu làm lớp trưởng. Cu Toàn làm thế vì hàng ngày nó luôn chứng kiến cảnh bố mình thản nhiên nhận những chiếc phong bì “bôi trơn” từ đối tác.
Điều nữa khác với xưa, chỉ tiêu mà các bậc cha, mẹ đặt ra cho con em mình giờ đây là vô bờ bến. Thế nhưng cũng chính những bậc phụ mẫu ấy đã có bao giờ đặt mình vào tư tưởng, suy nghĩ, nhận thức của con em mình, mà đơn giản chỉ là áp đặt, độc đoán. Chuẩn bị đến thời điểm làm hồ sơ thi đại học, Hương nhẹ nhàng đến bên bố thỏ thẻ: “Bố cho con thi trường ngoại ngữ nhé?”
Là một thượng tá trong ngành quốc phòng, luôn giữ gia đình trong một khuôn khổ, ông quay sang con gái nhẹ nhàng bảo: “Thôi con ạ, cứ thi quân sự cho nó lành, ra trường bố còn xin được việc cho con”. Khi biết con gái mình dù đã học đến năm thứ 3 một trường quân sự nhưng thường xuyên cúp học, điểm kém, nhà trường vì nể bố mà không đuổi, ông đã ngửa mặt kêu trời "Cha mẹ sinh con trời sinh tính. Sao số tôi khổ đến thế này!”
Những ví dụ trên đã phần nào chứng minh được rằng tấm gương của cha mẹ luôn là sự phản chiếu lớn nhất cho con cái. Sự phản chiếu đó sẽ in sâu trong tâm hồn của con cái chúng ta cho đến hết đời. Tâm hồn trẻ thơ non nớt và mong manh, luôn sẵn sàng ghi nhận những thông tin từ người lớn và chuyển hóa thành những quan điểm sống.
Rất nhiều những bi kịch gia đình đã xảy ra mà cội nguồn sâu xa chính là sự vô trách nhiệm, chủ quan, hay giáo dục không đúng cách của các bậc phụ huynh. Trong một hội thảo về gia đình, có bậc phụ huynh bày tỏ: “Thời này dạy con khó quá, chúng tôi không theo kịp cháu”. Khi Ban tổ chức hỏi lại: “Thế anh chị một ngày nói chuyện với cháu được mấy tiếng?”, “Anh chị có thật sự là tấm gương tốt trước mặt cháu không?”, bậc phụ huynh nọ liền nhún vai, ngồi xuống…
Đức Thọ