Mặt trái của Tik Tok
Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, nền tảng TikTok ngày càng phát triển mạnh mẽ và tạo sân chơi cho những thế hệ GenZ (thế hệ 1995- 2012). Dù ra đời sau Facebook, Instagram… nhưng tháng 4/2020, Tiktok trở thành mạng xã hội tăng trưởng nhanh nhất và phổ biến nhất đối với giới trẻ với hơn 2 tỷ lượt tải xuống trên toàn cầu. Nhà nhà, người người “đua” nhau sử dụng TikTok như phương tiện để giải trí sau một ngày làm việc căng thẳng. Đây cũng là mảnh đất màu mỡ dần được khai phá với những bạn trẻ năng động, mang lại thu nhập khủng từ sức hút của các video Tik Tok.
Nhưng cũng giống như rất nhiều mạng xã hội khác, với số lượng người dùng khổng lồ và kho nội dung vô hạn, TikTok còn tồn đọng nhiều mặt trái tác động xấu đến xã hội, làm lệch hướng suy nghĩ của những thế hệ trẻ ngày nay. Nhiều video Tik Tok chứa nội dung phản cảm, bạo lực. Trong khi đó, nhiều gia đình cho trẻ nhỏ xem TikTok để giải trí, dễ ảnh hưởng xấu tới độ tuổi đang hình thành nhân cách.
Việc xuất hiện ngày càng nhiều video xấu độc, bạo lực hay video mang tính kích động phân biệt tôn giáo, đặc biệt là các trào lưu ngày càng biến dị và nguy hiểm… đã và đang tác động không nhỏ đến người dùng.
Điều đáng nói, nhiều chủ tài khoản TikTok là những cô gái còn rất trẻ, thậm chí vẫn đang ở độ tuổi đi học, họ sẵn sàng khoe ngực, khoe thân để tạo nên những video viral bất chấp đúng sai. Chưa kể, việc dễ dàng thu hút các nhãn hàng đầu tư tiềm năng, khiến những video trên TikTok không có sự chọn lọc về mặt nội dung. Các trào lưu chia sẻ cách chăm sóc sức khỏe cũng vô cùng phong phú. Nhưng rất nhiều trong số đó chỉ mang tính “câu view”, tự phát và thiếu kiểm chứng khoa học…
Làm gì để tăng “đề kháng” cho giới trẻ?
Vừa qua, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý của thanh niên trong lực lượng vũ trang xây dựng dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII.
Trước một số vấn đề xâm hại an ninh quốc gia và hiện tượng lệch lạc trên không gian mạng như “giang hồ mạng”, khoe cuộc sống xa hoa... nhiều ý kiến đặt ra yêu cầu đối với tổ chức Đoàn về tăng sức “đề kháng” và giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống văn hóa cho người trẻ.
Anh Nguyễn Công Tuấn (Đoàn Thanh niên Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an) cho biết, giai đoạn 2020-2021 là khoảng thời gian số lượng vụ việc xâm hại, làm ảnh hưởng an ninh mạng quốc gia tăng cao đột biến. Đáng lưu ý, tỷ lệ thanh, thiếu niên, người trẻ có sức ảnh hưởng gây ra các vụ việc này không nhỏ.
Không những thế, trên không gian mạng xuất hiện nhóm người trẻ có vai trò dẫn dắt, tác động hành vi của bộ phận giới trẻ mà phần nhiều theo chiều hướng tiêu cực. Một số đối tượng “giang hồ mạng” có hành vi cổ xúy bạo lực, lệch chuẩn thu hút được nhiều người trẻ theo dõi, tôn sùng. Một số người trẻ khoe cuộc sống xa hoa, tạo cái nhìn lệch lạc với giá trị lao động, sùng bái vật chất.
Theo anh Tuấn, không phải ai cũng sở hữu sẵn “sức đề kháng” mạnh trước những cám dỗ trên môi trường internet, nhất là các bạn trẻ. Các cấp bộ Đoàn cần quan tâm hơn nữa đến công tác tăng cường giáo dục tư tưởng cho thanh, thiếu nhi, hình thành thế trận lòng dân, đẩy mạnh đấu tranh phản bác trên không gian mạng với nòng cốt là đoàn viên, thanh niên ưu tú.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề xuất tổ chức Đoàn, Hội cần điều chỉnh phù hợp, kịp thời về các mô hình, chương trình rèn luyện, tăng cường kỹ năng, tư duy phản biện xã hội, hội nhập quốc tế liên quan đến danh hiệu “Sinh viên 5 tốt”. Đồng thời, tập trung đồng hành với thanh niên nông thôn, vùng sâu, vùng xa vì họ còn nhiều khó khăn, hạn chế; bên cạnh giúp thanh niên chậm tiến, tổ chức Đoàn cần quan tâm hỗ trợ thanh niên hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng để họ sớm trở thành người có ích cho xã hội... .
Anh Trần Xuân Chuyên - Trưởng ban Công tác quần chúng, Trường Sỹ quan Chính trị) cho rằng, chúng ta không thể trói buộc, nhưng cũng không thể thả lỏng quản lý mạng xã hội. Tổ chức Đoàn cần có giải pháp phát huy mặt tích cực của mạng xã hội trong công tác giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống văn hóa cho giới trẻ. Cần ưu tiên bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ Đoàn, báo cáo viên, tuyên truyền viên ở cấp cơ sở.
Theo anh Nguyễn Quang Huy - Trưởng Phòng Công tác quần chúng, Cục Chính trị, Quân khu 1, cần lồng ghép các nội dung giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống thông qua những sản phẩm truyền thông hiện đại, cuộc thi trực tuyến trên môi trường internet, không gian mạng xã hội.
Hoa hậu H’Hen Niê góp ý kiến, Đoàn cần hướng các hoạt động hỗ trợ cho các đối tượng là thanh, thiếu nhi ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, từ đó khuyến khích các em theo đuổi ước mơ, hướng tới tương lai. “Nhiều gia đình có thể không chia sẻ, định hướng ước mơ hoài bão cho các em. Gia đình chỉ nói về vấn đề việc làm, kết hôn sớm.... Do đó, các bạn thanh, thiếu nhi sẽ không có môi trường để phát triển. Bên cạnh đó phải gắn với tinh thần yêu nước, yêu văn hóa, yêu con người Việt Nam ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường”, Hoa hậu H’Hen Niê bày tỏ.
Hoa hậu H’hen Niê cho biết, thực tế, nhiều bạn trẻ ở vùng sâu, vùng xa còn thiếu kỹ năng sống, mông lung không biết cách bảo vệ bản thân, chưa định hình được tương lai. “Tôi mong rằng, tổ chức Đoàn có nhiều hoạt động hỗ trợ, đồng hành cùng các bạn trẻ vùng sâu, vùng xa để trang bị kỹ năng, đặc biệt “gieo mầm” lòng tự tôn dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước từ sớm trong các bạn trẻ”…
Diễn viên Bảo Thanh cho rằng, mỗi giới sẽ có các thế mạnh khác nhau. Các vận động viên trẻ chính là nguồn năng lượng tích cực có thể lan tỏa tinh thần tập luyện thể dục thể thao cho lớp trẻ nói riêng, cộng đồng nói chung. Thanh niên là nhà văn, nhà báo cũng chính là trang báo sống động nhất, có thể tự xây dựng kênh riêng cho bản thân. Họ có quyền chia sẻ, lan tỏa những thông tin chính thống, tích cực để mọi người được biết và tiếp cận thông tin sạch. Từ đó, góp phần loại bỏ, bài trừ những thông tin độc hại, mang lại không gian mạng văn minh, sạch sẽ.
Bí thư thường trực Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy nêu vấn đề, thế hệ thanh niên có đặc điểm mang gen Z hơi khác biệt về mặt tâm lý, suy nghĩ… so với các thế hệ trước. Cộng với việc chuyển đổi số mạnh mẽ có ảnh hưởng nhất định đến đời sống, sinh hoạt, văn hóa, thể thao của thanh niên nói chung. Vì vậy trong 5 năm tới, cần quan tâm để tổ chức Đoàn thực sự là môi trường tạo điều kiện cho thanh niên rèn luyện, cống hiến, đồng thời cũng là môi trường để giúp đỡ, đồng hành với thanh niên.