Đến dự khai mạc triễn lãm – giới thiệu sách Kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” có ông Nguyễn Minh Luân – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Thường trực HĐND, UBND, UBMT TQ tỉnh; đại diện lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể cấp tỉnh; đại diện lãnh đạo UBND TP Cà Mau, Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa, Truyền thông và Thể thao các huyện, thành phố Cà Mau.
Ông Trần Hiếu Hùng – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau phát biểu khai mạc. |
Phát biểu khai mạc, ông Trần Hiếu Hùng – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau cho biết: “Nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí, ý nghĩa cũng như sức mạnh của văn hóa trong sự phát triển của đất nước, ngay từ năm 1930, trong cương lĩnh chính trị đầu tiên của đảng đã đề cập đến vấn đề phải phát triển văn hóa dân tộc và năm 1943, Đảng ta đã đề ra “Đề cương về Văn hóa Việt Nam”, đây văn kiện lịch sử mang tính cương lĩnh văn hóa đầu tiên của Đảng, nêu rõ phương hướng cùng những nguyên tắc thiết thực cho công cuộc xây dựng nền văn hóa mới, trong đó khẳng định: Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (chính trị, kinh tế, văn hóa); đồng thời thể hiện những quan điểm, tư tưởng của Đảng đối với lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, với ba nguyên tắc cơ bản: Dân tộc, khoa học và đại chúng”.
“Đề cương về văn hóa Việt Nam” do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo và được thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương tháng 2 năm 1943. |
Các đại biểu cắt khai mạc triễn lãm – giới thiệu sách Kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” (1943 – 2023). |
Trong không gian triển lãm – giới thiệu sách được bày trí đẹp mắt bằng nhiều sách, tư liệu về văn hóa Việt Nam nói chung, văn hóa của tỉnh Cà Mau nói riêng. Trong không gian triển lãm có 1 pano trích lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói về tầm quan trọng của văn hóa đối với người dân Việt Nam. Trong đó, có câu nói “Văn hóa còn thì dân tộc còn”.
Theo dòng chảy của tiến trình lịch sử, từ mảnh đất địa đầu cực Nam của Tổ quốc, hình ảnh thầy giáo Phan Ngọc Hiển với cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai thắng lợi mở đầu cho giai đoạn cách mạng mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, Cà Mau tiếp tục bước vào cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại của dân tộc. Hòa mình vào khí thế đó, văn học nghệ thuật đã trở thành vũ khí sắc bén để tuyên truyền, động viên, thổi bùng tinh thần yêu nước. Những tác phẩm văn học nghệ thuật đã thực hiện rất tốt sứ mạng lịch sử của mình, để lại dấu ấn đặc biệt cho độc giả, khán giả về mảnh đất xa xôi phương Nam như: Hương rừng Cà Mau (Sơn Nam), Thư Cà Mau (Anh Đức), Đất rừng phương Nam (Đoàn Giỏi), trường ca Hòn Khoai (Nguyễn Bá)... Bên cạnh đó, Đoàn văn công giải phóng Cà Mau, đội Chiếu bóng Cà Mau Ninh Bình; Điện ảnh, Nhiếp ảnh Khu Tây Nam bộ...trở thành lực lượng hùng hậu trên mặt trận văn hóa kháng chiến của Cà Mau và cả nước”.
Ông Nguyễn Minh Luân (cà vạt xanh) – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cùng lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể cấp tỉnh; lãnh đạo UBND TP Cà Mau tham quan triễn lãm – giới thiệu sách Kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” (1943 – 2023). |
Theo ông Trần Hiếu Hùng – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau: “Thực hiện Đề án của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và Kế hoạch của Tỉnh ủy, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức triển lãm tư liệu, hình ảnh và giới thiệu sách chuyên đề Kỷ niệm 80 năm “Đề cương về văn hóa Việt Nam”, với 80 hình ảnh và hơn 200 đầu sách báo, tài liệu phản ánh bối cảnh ra đời, quá trình vận động và phát triển của Đề cương Văn hóa Việt Nam, một số các tác giả, tác phẩm văn học nghệ thuật tiêu biểu của tỉnh Cà Mau và cả nước”.
Tại buổi khai mạc triễn lãm - giới thiệu sách, em Nguyễn Như Quỳnh (Học sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Việt Khái, TP. Cà Mau) cho biết: “Từ nhỏ em được cha mẹ dạy biết lễ phép với cha mẹ, gia đình, người lớn tuổi, tôn sư trọng đạo. Trên ghế nhà trường thì thầy cô dạy em rất nhiều điều hay… đặc biệt, yêu nước là truyền thống văn hóa giới trẻ cần ghi nhớ, phát huy. “Luôn luôn nhớ lời Bác Hồ dạy, điều 1 yêu Tổ quốc yêu đồng bào, điều 2 học tập tốt, lao động tốt. Còn khi đến triển lãm, em biết thêm về lịch sử văn hóa Việt Nam, nhất là các di tích lịch sử của nước Việt Nam chúng ta” - em Quỳnh chia sẻ.
Các em học sinh Trường THPT Nguyễn Việt Khái (TP. Cà Mau); lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành... tham quan Trưng bày, triển lãm Kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về văn hóa Việt Nam”. |
“Cuộc triển lãm và giới thiệu sách lần này góp phần làm phong phú thêm giá trị tinh thần, vững bền qua thời gian của “Đề cương về văn hóa Việt Nam”; tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của văn hóa trong quá trình đổi mới và phát triển của đất nước, Đây còn là nguồn động viên to lớn để văn nghệ sĩ, trí thức tỉnh nhà nhận thức rõ hơn về trách nhiệm lớn lao và cao quý của mình đối với sự nghiệp văn hóa, văn nghệ. Tiếp tục làm tròn sứ mệnh xây dựng văn hóa con người Việt Nam phát triển toàn diện, bền vững. Đồng thời, là dịp để chúng ta ôn lại và nhìn thấy rõ hơn những giá trị soi đường, tác dụng định hướng của Đề cương; qua đó nhận thức đúng đắn hơn nghĩa vụ và trách nhiệm công dân đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong giai đoạn mới” – ông Trần Hiếu Hùng nhấn mạnh./