Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, sáng 26/7, Quốc hội thảo luận tại hội trường về phê chuẩn Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019 và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.
Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đều thống nhất với nhiều nội dung trong các Báo cáo của Chính phủ và các Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách, báo cáo kiểm toán và quyết toán của Kiểm toán nhà nước. Các báo cáo được xây dựng công phu, nhiều đổi mới, số liệu cụ thể, có dẫn chứng, lập luận và phản biện sâu sắc hơn so với các năm trước.
Quang cảnh phiên thảo luận sáng 26/7. |
Góp ý vào các nội dung này, Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP HCM) kiến nghị Chính phủ phải tổ chức tốt hơn công tác tuyên truyền và đặc biệt là công tác giáo dục về ý thức, về trách nhiệm trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đi vào chiều sâu.
Bên cạnh đó, thể chế phải chặt chẽ, khả thi hơn, phân công phân cấp rõ ràng và rành mạch. Trong các tiết kiệm thì tiết kiệm thời gian là tiết kiệm quan trọng nhất. Chúng ta khuyến khích sự năng động, sáng tạo, tính chủ động của các địa phương.
Gần đây Thủ tướng khi làm việc với các địa phương và các bộ, ngành, Thủ tướng phát biểu quan điểm mà Đại biểu Ngân rất ủng hộ, là việc gì địa phương làm tốt hơn, làm hiệu quả hơn so với Trung ương, bộ, ngành thì tiến hành phân cấp, phân quyền cho các địa phương một cách triệt để, giảm đi nhiều khâu trung gian, nhiều thủ tục, quan trọng hơn là chúng ta giảm thời gian. Đặc biệt trong tình hình đang có dịch COVID, vấn đề giãn cách làm hạn chế việc đi lại thì việc phân cấp lại càng có ý nghĩa. Đi kèm theo đó là vấn đề nâng cao năng lực, khả năng thực hiện của cấp dưới, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định) đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính quan tâm đề xuất Chính phủ nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số sử dụng hiệu quả ngân sách trong thời gian tới. Ông phân tích sự cần thiết xây dựng bộ chỉ số là do hiện ta chưa có chỉ số đánh giá về thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí hay nói cách khác là chỉ số hiệu quả sử dụng ngân sách đối với kinh tế - xã hội nên không thể so sánh địa phương nhận 100 tỷ đồng ngân sách về phát triển một con đường với địa phương nhận 100 tỷ đồng về phát triển cơ sở giáo dục, y tế.
Hay như báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chúng ta cũng rất khó để phân tích, để từ đó đánh giá, rút kinh nghiệm và làm hằng năm tốt hơn. Nếu chúng ta có số liệu tốt hơn qua hàng năm đánh giá và phấn đấu làm tốt hơn thì mục tiêu đến năm 2045 thành nước phát triển thu nhập cao sẽ khả quan hơn. “Với việc hình thành các chỉ số cụ thể và hiệu quả sử dụng ngân sách thì trách nhiệm của các địa phương đối với hiệu quả sử dụng ngân sách sẽ được tăng lên, lợi thế riêng của từng địa phương sẽ được phát huy tốt hơn và lúc đó sẽ có nhiều số định lượng để chúng ta phân tích ngân sách tốt hơn”, Đại biểu Cảnh bày tỏ.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Đôi. |
Tương tự, Đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Đôi (Đoàn Sơn La) đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương sớm ban hành các quy định về định mức tiêu chuẩn chuyên ngành, các tiêu chí cụ thể trong thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí trong lĩnh vực ngân sách nhà nước; quản lý, sử dụng nhà công, đất công, quản lý, khai thác tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản.
Theo bà, quan trọng hơn hết trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chính là ý thức của mỗi người, mỗi ngành, mỗi cấp và mỗi người dân, đặc biệt là trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, cán bộ, đảng viên. Có như vậy thì công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của chúng ta sẽ đạt kết quả rất cao.