Các lớp đào tạo nghề cho người lao động nông thôn đầu tiên tại Hải Phòng theo chương trình của Chính phủ vừa được tổ chức tại Vĩnh Bảo. Đây là cơ hội tốt để người lao động nông thôn có nghề. Song, vấn đề đặt ra là làm sao để người lao động nông thôn được đào tạo đúng nghề cần học, có thể kiếm sống bằng nghề được đào tạo được nhiều người quan tâm.
Doanh nghiệp cùng tham gia dạy nghề
Tại làng nghề Bảo Hà, xã Đồng Minh 350 học viên là lao động nông thôn của một số xã trên địa bàn huyện Vĩnh Bảo được bố trí học 10 lớp dạy nghề từ 1 tháng nay. Đây là những lớp đào tạo nghề nông thôn đầu tiên được triển khai trên địa bàn huyện Vĩnh Bảo theo Quyết định 1956 của Chính phủ và Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn Hải Phòng đến năm 2020. Khuôn viên nhà văn hóa làng nghề Bảo Hà rộng hàng nghìn mét vuông không còn chỗ trống, vòng trong, vòng ngoài đều chật cứng người. Ông Bùi Văn Nhâm, Chủ tịch UBND xã Đồng Minh cho biết, ngay từ sáng sớm, nhiều bà con nông dân trong xã không thuộc diện được đào tạo nghề đợt này cũng bỏ cả việc đồng áng đến đây.
Lớp học cắt may công nghiệp của Trung tâm dạy nghề An Lão. Ảnh: Khánh Linh |
Nhân dân địa phương rất phấn khởi được tham gia vào một số lớp đào tạo nâng cao tay nghề. Đây là cơ hội tốt để những người dân có điều kiện được học nghề, tiếp cận nghề. Theo ông Nguyễn Văn Lợi, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy, Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Bảo: chính sách về dạy nghề cho lao động nông thôn của Chính phủ như một luồng gió mới để người nông dân tiếp cận chính sách về dạy nghề. Đợt này Trung tâm dạy nghề huyện mở các lớp dạy nghề ở một số xã có ngành, nghề truyền thống và có khu, cụm công nghiệp cần lao động nghề may. Các nghề được đào tạo gồm: may công nghiệp, kỹ thuật sơn mài, điêu khắc gỗ, trồng nấm thương phẩm, dệt chiếu cói…Trong quá trình đào tạo kết hợp giữa lý thuyết và thực hành ngay tại địa phương. Một số lớp có sự tham gia phối hợp cùng đào tạo, giảng dạy của doanh nghiệp. Giám đốc Trung tâm dạy nghề Vĩnh Bảo Phạm Ngọc Điệp cho biết, việc mở những lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn có ý nghĩa lớn đối với bà con nông dân huyện lúa. Trước đây, việc đào tạo nghề cho người nông dân đã có, song quy mô nhỏ bé, không thường xuyên nên tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo nghề thấp. Tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn đợt này có nhiều điểm mới, việc tổ chức quy mô, bài bản hơn, có sự tham gia của các cấp, chính quyền địa phương và doanh nghiệp. Chia sẻ trách nhiệm của mình trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, bà Trần Thị Sinh Duyên, Tổng giám đốc Công ty CP May Hai cam kết sẽ tích cực phối hợp cùng cán bộ, giáo viên Trung tâm dạy nghề Vĩnh Bảo tham gia dạy nghề cho người lao động.
Lớp nghề may công nghiệp tại Trung tâm dạy nghề huyện Vĩnh Bảo trong giờ thực hành. Ảnh: Hoàng Phước |
Trang bị “cần câu” cho nông dân
Việc tổ chức những lớp đào tạo nghề tại các địa phương không khó. Song, làm thế nào để triển khai công tác đào tạo nghề đúng đối tượng, bảo đảm chất lượng và đúng nghề mà người nông dân cần là vấn đề nhiều người quan tâm. Tổng Cục trưởng Tổng cục dạy nghề Nguyễn Tiến Dũng và Phó chủ tịch UBND thành phố Hoàng Văn Kể đặc biệt quan tâm và lưu ý việc thực hiện hiệu quả các mục tiêu của đề án, các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến với người dân nông thôn về công tác đào tạo nghề, tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa cơ sở dạy nghề, doanh nghiệp với chính quyền địa phương và người học. Trong quá trình phối hợp các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề cần đề cao trách nhiệm của mình trong việc giảng dạy, đào tạo gắn lý thuyết với thực hành; tạo điều thuận lợi nhất để người lao động nông thôn có cơ hội được học nghề, dạy nghề phù hợp với nhu cầu... Để chính sách thực sự đi vào cuộc sống, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, cần đề cao trách nhiệm trong công tác đào tạo nghề. Phân tích rõ thêm về vấn đề chất lượng lao động sau đào tạo nghề, Tổng cục trưởng Cục Dạy nghề Nguyễn Tiến Dũng cho biết, sau 1 năm thực hiện Đề án, 80% số lao động được đào tạo nghề làm việc đúng nghề, có thu nhập ổn định cuộc sống. Theo đó, các cơ sở dạy nghề, địa phương cần quan tâm đến nghề được đào tạo, chất lượng đào tạo nhằm trang bị cho người lao động nông thôn cái “cần câu” để họ được làm đúng nghề được đào tạo.
Tiến Đạt