Cho ý kiến tại phiên họp, ĐB Trần Văn Mão (Đoàn Nghệ An) thống nhất với quy định cấp trần hàm bậc thiếu tướng đối với giám đốc công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, ở các địa phương được phân loại đơn vị hành chính tỉnh loại I.
Bởi, theo ĐB, cơ quan công an cấp tỉnh là cơ quan lực lượng vũ trang vừa là hành pháp vừa là tư pháp, nhiệm vụ liên quan đến hầu hết các lĩnh vực đời sống, kinh tế - xã hội, đối tượng quản lý nhiều, phức tạp, vấn đề nhạy cảm liên quan đến quyền tự do dân chủ, lợi ích của nhân dân. Khối lượng công việc của công an cấp tỉnh rất nặng nề.
Vẫn theo ĐB tỉnh Nghệ An, để phù hợp với tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ, khối lượng công việc đòi hỏi quy mô tổ chức biên chế, quyền hạn của Giám đốc công an cấp tỉnh trong công tác tổ chức cán bộ phải tương xứng. “Giám đốc công an tỉnh được xác định là chức vụ cơ bản, quan trọng trong hệ thống sĩ quan công an nhân dân là cấp dưới liền kề có thể quy hoạch Bộ trưởng, Thứ trưởng, tiêu chuẩn chức danh, cấp bậc, hàm của Giám đốc công an tỉnh phải bảo đảm tương đương với chức danh tổng cục và Nghị quyết 26 ngày 19/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII cũng đề cập đến vấn đề này”, ĐB nói và cho rằng việc bố trí cấp hàm thiếu tướng đối với Giám đốc công an tỉnh là hoàn toàn phù hợp.
ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Đoàn Nghệ An) cũng bày tỏ tán thành quy định về cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng cho Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố loại 1. Theo phân tích của ĐB Cầu, hiện nay Đảng, Nhà nước đang cho Bộ Công an 205 tướng, Bộ Quốc phòng 415 tướng, quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an là không làm tăng thêm quân hàm cấp tướng, vẫn là 205.
“Theo quy định hiện hành, giám đốc công an tỉnh có chức vụ tương đương với Cục trưởng được quy hoạch và đề bạt trực tiếp lên Thứ trưởng, các Cục trưởng muốn lên Thứ trưởng phải luân chuyển về địa phương trọng điểm phức tạp để đào tạo theo quy định của Đảng ít nhất 3 năm, nếu 2 cấp bậc hàm này vênh nhau quá lớn thì rất khó thực hiện việc luân chuyển và không hợp lý về chế độ, chính sách. Trong số 205 vị trí có quân hàm cấp tướng, trước đây với 8 tổng cục, 216 đầu mối, nay chỉ còn 60 đầu mối thì quân hàm cấp tướng ở cấp bộ công an Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh bố trí cũng không hết được”, ĐB cho biết.
Ủng hộ quy định tất cả giám đốc công an tỉnh đều có cấp hàm cao nhất là thiếu tướng, ĐB Lê Tấn Tới (Đoàn Bạc Liêu) cho rằng, ngoài 11 tỉnh, thành loại 1 thì các tỉnh khác ở đâu cũng có những địa bàn chiến lược, khu vực xung yếu và phức tạp về an ninh trật tự.
Bên cạnh đó, ĐB Tới cũng nêu ra những bất cập trong luân chuyển để bảo vệ quan điểm của mình. “Chức danh cục trưởng và giám đốc công an tỉnh là ngang nhau, đều được quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm chức vụ cao hơn nhưng nếu không phong hàm thiếu tướng cho giám đốc công an tỉnh thì điều này sẽ mâu thuẫn khi thực hiện luân chuyển công tác cán bộ ngành công an, vì cấp tướng mà luân chuyển về địa phương thì sai lệch. Ngược lại, giám đốc công an tỉnh mà luân chuyển làm cục trưởng thì bất hợp lý vì từ đại tá không thể lên ngay thiếu tướng”, ĐB nói và đề nghị quy định theo hướng giám đốc công an các tỉnh được phong hàm cao nhất là thiếu tướng.
ĐB này cũng khẳng định quy định như vậy không làm tăng số lượng cấp tướng trong lực lượng công an nhân dân.
ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) thì cho rằng quy định cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng đối với giám đốc công an cấp tỉnh sẽ tạo nên sự “vênh nhau” giữa công an và quân đội khi giám đốc công an là thiếu tướng còn chỉ huy trưởng bộ chỉ huy quân sự tỉnh lại là đại tá. ĐB đoàn Lâm Đồng cho rằng nếu quy định giám đốc công an có hàm cao nhất là tướng thì vấn đề đặt ra là phải sửa luật Sỹ quan quân đội nhân dân Việt Nam để nâng hàm lên tướng cho tương ứng. Song, theo ĐB, nếu sửa luật và phong hàm tướng nhiều hơn thì “e rằng dư luận và cử tri không đồng tình”.
ĐB Nguyễn Tạo cũng chỉ ra rằng, thực tiễn cho thấy việc phong thăng hàm cấp tướng đã và đang được thực hiện nhưng dư luận có ý kiến khác nhau.
“Có ý kiến nói rằng thời bình sao nhiều tướng đến thế. So với thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, bảo vệ biên giới thì từ năm những năm 2000 trở lại đây số lượng tướng trong lực lượng vũ trang nói chung và ngành công an nói riêng đã tăng lên nhiều. Nhiều cán bộ lão thành trong lực lượng vũ trang đã có ý kiến”, ĐB Tạo cho hay.
Theo ĐB này, các ý kiến phản ánh về vấn đề này đều có chung suy nghĩ là phải bảo đảm uy tín, vị thế của đội ngũ tướng lĩnh, tránh việc phong thăng hàm nhanh nhưng chất lượng là vấn đề cần suy nghĩ. “Đội ngũ tướng lĩnh có công với dân, với nước luôn được suy tôn nhưng cử tri cũng băn khoăn khi có tướng lĩnh vi phạm pháp luật như vừa qua”, ĐB nói.
ĐB Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) lại đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc nên giữ hàm cấp đại tá đối với Giám đốc công an tỉnh hiện nay. ĐB này đồng ý với loại ý kiến thứ 3 của cơ quan thẩm tra dự án Luật - Ủy ban quốc phòng - an ninh của QH, theo đó cho rằng quy định cấp bậc hàm cao nhất của Giám đốc Công an cấp tỉnh phải tương đương với chỉ huy cơ quan quân sự cấp tỉnh để bảo đảm tương quan trong hệ thống chính trị và giữa lực lượng CAND với Quân đội nhân dân ở địa phương.
Mặt khác, việc phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I như Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của UBTVQH không căn cứ vào tiêu chí về an ninh, trật tự. Loại ý kiến này cũng băn khoăn cho rằng trong quá trình thực hiện, số lượng tỉnh, thành phố được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I có thể sẽ tăng lên dẫn đến số lượng cấp tướng tăng.
ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Bến Tre) đề nghị cân nhắc gắn cấp hàm với chức vụ để bãi bỏ tình trạng cứ “đến hẹn lại lên”.
Về phong cấp hàm cấp tướng, ĐB Nhưỡng cho rằng, phải đảm bảo tuân thủ các thông báo của Bộ Chính trị. Bên cạnh đó, cần quy định rõ vị trí có trần quân hàm cấp tướng để hạn chế tình trạng phong cấp hàm không theo quy chuẩn. Đồng thời, cần quy định rõ trong luật tổng số quân hàm cấp tướng để tránh được dư luận nêu là phong tướng lên xong điều đi chỗ khác rồi lại một người khác vào theo kiểu “điền vào chỗ trống”.