Theo quan sát của ĐB Bùi Thị Quỳnh Thơ, chi ngân sách nhà nước trong các chiến lược phát triển, trong các thời kỳ hầu hết đều nhấn mạnh tăng đầu tư phát triển, giảm chi thường xuyên, tiết kiệm, thắt chặt chi tiêu hành chính, việc chi cho đầu tư phát triển sẽ sinh lời trong tương lai.
Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị về cơ cấu lại ngân sách nhà nước quản lý nợ công theo hướng đảm bảo nền tài chính quốc gia, an toàn bền vững. Trong đó nhấn mạnh chỉ tiêu về chi đầu tư phát triển 2016 - 2020 bình quân là 25-26%, trong những năm qua tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách nhà nước có xu hướng giảm dần, từ 50,37% tổng chi ngân sách nhà nước năm 2005 lên mức 61,67% năm 2012.
Nhưng thực tế thì tỷ trọng chi thường xuyên có xu hướng tăng dần. Chi thường xuyên chiếm 61,15% và chi trả nợ viện trợ là 92%.
“Điều đáng chú ý, là năm 2009 khi Luật quản lý nợ công ra đời, cũng từ năm đó nợ công của Việt Nam liên tục tăng cao. Những năm qua Chính phủ đã dành một phần ngân sách không nhỏ để trả nợ nhưng vẫn không đủ, buộc phải đi vay để trả nợ, một con số rất đáng trăn trở“, ĐB Bùi Thị Quỳnh Thơ lo lắng.
Theo ĐB, các con số trên báo cáo kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2016 - 2017 cho thấy chúng ta đang loay hoay trong bài toán đảm bảo chi thường xuyên, tức là chi cho tiêu dùng đi vay để trả nợ vay. Trong khi đó, về nguyên lý các khoản nợ vay chỉ được sử dụng cho chi đầu tư phát triển sẽ sinh lời và nó chỉ được sử dụng trong lợi nhuận của nền kinh tế để chi trả.
ĐB khẩn thiết: “Tôi cho rằng việc cơ cấu lại các khoản chi, tăng chi, đầu tư, phát triển thắt chặt chi thường xuyên, chi cho tiêu dùng là vô cùng cấp bách. Điều đó đồng nghĩa Chính phủ phải mạnh tay hơn nữa trong việc tinh giản biên chế, cải cách bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, tiết kiệm chi hành chính...“.
Với con mắt của một người ‘có nghề” trong lĩnh vực tài chính, bà cũng tỏ ý lo ngại khi những năm gần đây với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam đã và đang theo đuổi chính sách thâm hụt ngân sách có định hướng. Mặc dù ngân sách nhà nước tiếp tục tăng nhưng chi luôn vượt thu.