Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, Thông tư 26 về quy chế bồi dưỡng thường xuyên đã quy định, hàng năm giáo viên phải tự đăng ký nội dung bồi dưỡng, trên cơ sở đó nhà trường, cơ quan quản lý giáo dục sẽ tổng hợp và triển khai bồi dưỡng. Tuy nhiên, việc này vẫn còn hình thức vì không ít giáo viên khi lựa chọn nội dung bồi dưỡng không xuất phát từ nhu cầu, việc đánh giá kết quả bồi dưỡng cũng chưa đạt hiệu quả như mong muốn, giám sát chất lượng bồi dưỡng ở các cấp còn hạn chế.
Chia sẻ kinh nghiệm triển khai bồi dưỡng đội ngũ giáo viên tiếng Anh thành công tại Thái Lan và 4 tỉnh/ thành phố của Việt Nam (Nam Định, Cần Thơ, Bắc Giang và Lạng Sơn), bà Sadie Maddocks, cố vấn đào tạo cao cấp của Hội đồng Anh cho biết: “Chương trình bồi dưỡng của chúng tôi có thời lượng từ 60 đến 100 giờ bao gồm nhiều nội dung thực tiễn hơn lý thuyết. Chúng tôi cũng khuyến khích xây dựng văn hóa phát triển chuyên môn thường xuyên trong nhà trường thông qua hoạt động giảng dạy mẫu và dự giờ của giảng viên Hội đồng Anh với các em học sinh trong lớp học thực tế”.
Đại diện Apollo Việt Nam và Đại học Anh quốc Việt Nam, bà Nguyễn Kim Dung, Giám đốc Pháp chế và đối ngoại cho rằng, để thúc đẩy đào tạo giáo viên tiếng Anh có hiệu quả, cần quan tâm tới các chính sách hỗ trợ đào tạo để tạo động lực cho giáo viên. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng cần xây dựng lộ trình cụ thể những chính sách ưu tiên cho 5-10 năm tới để thúc đẩy việc dạy và học ngoại ngữ, trong đó có đào tạo, bồi dưỡng giáo viên.
Nhận định bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ phải là một quá trình liên tục, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh, bồi dưỡng không phải để giáo viên giỏi trong mấy tháng mà phải giỏi liên tục, muốn vậy cần phải có các chương trình, học liệu phù hợp để sau khi kết thúc bồi dưỡng, giáo viên tiếp tục tự học nâng cao kiến thức của mình. “Có rất nhiều chương trình, học liệu online, đây là xu hướng cần được cập nhật.
Đồng thời, với vai trò của mình, Bộ GD&ĐT sẽ hoàn thiện, ban hành và tham mưu ban hành các chính sách phù hợp, minh bạch, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên ngoại ngữ, đặc biệt là giáo viên tiếng Anh trong thời gian tới.