Sở dĩ có quan điểm như vậy vì diễn biến câu chuyện đang cho thấy vụ việc tuy đã có kết luận ban đầu từ các cơ quan chức năng (Sở LĐ-TB&XH tỉnh Ninh Bình) nhưng vẫn đang tiếp tục thu hút sự quan tâm rất lớn của cộng đồng mạng khiến cuộc sống của những người trong cuộc đã bị đảo lộn trước sức ép của cộng đồng mạng.
Tại sao T.D lại tố cáo trên Facebook mà không đến cơ quan có trách nhiệm?
Bên lề Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV trao đổi với báo chí, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng mạng xã hội có những mặt tích cực nhưng mỗi người cũng phải tự rèn luyện cho mình năng lực, bản lĩnh khi tham gia vào mạng xã hội. Theo ông Dương Trung Quốc, lời tố cáo nhưng chưa phải là một bản án, kết luận nên hãy coi nó là lời tố cáo và không nên dùng sức ép của cộng đồng mạng quy chụp những người trong cuộc.
Cơ quan chức năng sẽ có trách nhiệm phải vào cuộc xác minh lời tố cáo đó có đúng hay không, nếu đúng phải có xử lý. Tuy nhiên, ông Dương Trung Quốc cũng đặt vấn đề rằng tại sao T.D lại tố cáo trên Facebook mà không đến cơ quan có trách nhiệm. “Chúng ta phải giáo dục các cháu về trách nhiệm xã hội, khi tham gia vào Facebook, mạng xã hội thì phải có đủ bản lĩnh, hiểu biết, nếu không sẽ là vô trách nhiệm, trước hết là với bản thân mình” – ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh.
Từ góc độ người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Trẻ em nhận định, hiện nay trên mạng xã hội có nhiều lời bình luận “đi quá xa trong việc công khai một số bí mật đời tư và điều này không có lợi cho T.D. Ông Nam đề nghị dư luận không đưa quá nhiều bình luận về đời tư và gia đình, vì có thể gây bất lợi cho T.D. Nguyên tắc của Tổng đài 111 cũng sẽ không công khai những bí mật đời tư khi đang can thiệp vào vụ việc.
Từ vụ việc trên, ông Đặng Hoa Nam cũng cảnh báo: “Các bậc phụ huynh cần hướng dẫn cho con em hiểu để thận trọng trong việc sử dụng mạng xã hội khi chia sẻ thông tin, những câu chuyện của bản thân vì có thể đẩy sự việc đi chiều hướng khác, ảnh hưởng xấu tới các em. Thay vào đó, các em nên gọi ngay đến Tổng đài 111, các Trung tâm Công tác xã hội, phòng bảo vệ trẻ em của địa phương để phản ánh về nguy cơ xâm hại, bạo hành để nhận được sự hỗ trợ nhanh chóng và giúp bảo mật thông tin”.
Dạy trẻ em kiến thức để dùng mạng xã hội an toàn
Không phải đến bây giờ câu chuyện về trẻ em dùng mạng xã hội và trở thành nạn nhân của chính mạng xã hội mới được đề cập đến. Theo số liệu được công bố bởi Tổ chức thống kê số liệu Internet quốc tế, tính đến hết tháng 6/2015, Việt Nam có 45,5 triệu người dùng Internet, chiếm 48% dân số. Độ tuổi của người sử dụng Internet, nhất là ở thành thị ngày càng trẻ hóa. Song song với những tiện ích thì Internet còn tiềm ẩn nhiều hệ lụy đi kèm, nhất là vấn đề bạo hành, lừa đảo trực tuyến, đặc biệt với trẻ em. Nhưng dạy trẻ em kiến thức để dùng mạng xã hội an toàn thì ít bậc cha mẹ và người lớn quan tâm.
Cách đây không lâu, Trường Quốc tế đa cấp Anh Việt Hà Nội (BVIS Hà Nội) đã tổ chức hội thảo “Công dân thời đại kỹ thuật số và an toàn trực tuyến” có sự tham gia của ông Tim Gerrish, sáng lập Tổ chức Tư vấn Quốc tế về Bảo vệ Trẻ em (ICPA), ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc Trẻ em. Hai ông đã đưa ra lời khuyên giúp giới trẻ không bị ảnh hưởng bởi những tác động xấu từ thông tin trên mạng.
Theo đó, trẻ em nói riêng và giới trẻ nói chung khi sử dụng mạng xã hội phải nắm rõ nhóm quy tắc: Cư xử hợp lý; Bảo mật thông tin cá nhân; Sử dụng mật khẩu có độ bảo mật cao; Không nên tiết lộ danh tính của mình với bất cứ ai; Thiết lập chế độ riêng tư; Tin vào bản năng của mình; Cân nhắc trước khi đăng bài; Không nên một mình đi gặp người bạn quen qua mạng; Kiểm tra các tài khoản và hồ sơ cũ của mình; Tâm sự với người thân khi cảm thấy bất an.
Trước khi đăng bài, người sử dụng mạng xã hội nên cân nhắc kỹ trước khi điền vào các mẫu đơn trực tuyến, cập nhật trạng thái hoặc đăng ảnh và video của bạn hay bạn bè, nên suy nghĩ xem những ai có thể đọc thông tin mình đăng tải trực tuyến bởi một khi đã chia sẻ thông tin thì rất dễ mất kiểm soát chúng.
Và cũng như câu hỏi của đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc “Tại sao T.D lại tố cáo trên Facebook mà không đến cơ quan có trách nhiệm”, ông Tim Gerrish cũng đưa ra lời khuyên nhấn mạnh rằng trẻ em bất cứ khi nào nhìn thấy điều gì trên môi trường trực tuyến làm mình buồn hoặc có chuyện gì xảy ra khiến cảm thấy khó chịu, hãy tâm sự với một người lớn mà em tin tưởng để tìm ra cách giải quyết phù hợp, thay vì tung nó lên mạng xã hội để cộng đồng “xâu xé” làm ảnh hưởng đến bản thân và những người liên quan.