Theo Báo cáo kết quả công tác năm 2022, ngành Tòa án đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Quốc hội giao và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Trong đó, số lượng, chất lượng, hiệu quả giải quyết, xét xử các loại vụ việc tiếp tục nâng lên, đạt và vượt các chỉ tiêu, yêu cầu đề ra.
Các Tòa án đã thụ lý 567.521 vụ việc, đã giải quyết được 504.681 vụ việc (đạt tỷ lệ 88,9%; cao hơn năm trước 7,7%). So với năm 2021, số vụ việc đã thụ lý tăng 29.944 vụ; đã giải quyết tăng 68.021 vụ. Công tác phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật tố tụng.
Công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đạt và vượt yêu cầu Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến được tổ chức thi hành khẩn trương và đã phát huy hiệu quả tích cực trong thực tiễn. Tính đến nay đã tổ chức xét xử trực tuyến với tổng cộng 3.614 vụ án. Việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến đánh dấu bước đột phá trong cải cách tư pháp của hệ thống Tòa án, đã giúp người dân dễ dàng tiếp cận công lý và đảm bảo các hoạt động xét xử được tổ chức đúng thời hạn luật định, tiết kiệm chi thu phí và thời gian, nhất là trong thời gian dịch bệnh.
Các Đề án cải cách tư pháp được nghiên cứu, xây dựng đạt chất lượng cao. TANDTC đã tích cực tham gia xây dựng thể chế; tăng cường công tác xây dựng và đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật. Đến nay, TANDTC đã thông qua 56 án lệ. Trong năm qua, có thêm hàng trăm bản án của các Tòa án đã viện dẫn, áp dụng án lệ…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình ghi nhận các kết quả ngành Tòa án đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, vượt nhiều chỉ tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Trong đó, một số điểm nhấn là đã hoàn thành tất cả Đề án Trung ương giao cho, trong đó có Đề án Cải cách tư pháp, Tòa án điện tử, đổi mới cơ chế nhân dân tham gia vào hoạt động xét xử,…
Đề cập đến nhiệm vụ trong năm 2023, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh lãnh đạo Tòa án các cấp cần quan tâm quán triệt và triển khai thực hiện thật tốt Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình yêu cầu thực hiện quyết liệt các giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết, xét xử các vụ việc thuộc thẩm quyền. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi và quan trọng nhất của hệ thống Toà án để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động từ đó xây dựng Tòa án trong sạch, vững mạnh. Vì vậy, các Toà án phải tập trung đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xét xử, đảm bảo không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm; hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Toà án; bảo đảm các vụ việc được giải quyết trong thời hạn luật định.
Mặt khác, tăng cường xây dựng thể chế, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong hoạt động xét xử. Tập trung nghiên cứu, đề xuất Quốc hội xây dựng và ban hành các dự án luật, pháp lệnh quan trọng như: Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; Luật Hội thẩm nhân dân; Luật Tư pháp người chưa thành niên; Pháp lệnh về chi phí tố tụng;... tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất để nâng cao chất lượng xét xử.
Cùng với đó, cần đẩy mạnh xét xử trực tuyến; công khai minh bạch các hoạt động của Tòa án, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi giải quyết công việc tại Tòa án, góp phần xây dựng hình ảnh Tòa án thân thiện, gần dân, hiểu dân, là chỗ dựa cho nhân dân trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.