Chuyển đến nơi tái định cư, nhiều người có chỗ ở ổn định, khang trang nhưng không có đất sản xuất, không có công ăn việc làm. Trước thực tế này, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã phối hợp với các trung tâm (TT) dạy nghề mở các lớp miễn phí cho đối tượng thuộc diện di dời giải tỏa, mất đất sản xuất, giúp họ sớm ổn định cuộc sống.
Anh Hùng (bên trái) bên giàn nấm bào ngư trồng thử của lớp. |
Đa dạng ngành nghề
Bà Kiều Thị Thanh Trang, Trưởng phòng Dạy nghề Sở LĐ-TB&XH cho biết, vừa qua phòng đã làm phiếu điều tra 10 ngàn hộ thuộc diện di dời giải tỏa trên địa bàn thành phố. Trong đó có 26.147 người trong độ tuổi lao động, tuy nhiên chỉ có 6.090 người có nhu cầu học nghề, tập trung cho nhóm nghề dịch vụ, dệt may, trồng trọt…
Hai TT dạy nghề Hòa Vang và Liên Chiểu đều tập trung vào một số ngành nghề như: kỹ thuật nấu ăn, may công nghiệp, cơ khí, điện – điện tử, hàn, điện lạnh, điện công nghiệp, điện dân dụng… Ông Ông Văn Hoàng, Giám đốc TT Dạy nghề Hòa Vang cho biết: “Năm 2010 có 524 học viên đã tốt nghiệp. Riêng ngành may công nghiệp TT liên kết với một số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, bảo đảm cho các học viên học xong đều có việc làm. Một số nghề như nấu ăn, trồng nấm, trồng cây cảnh, giáo viên thường đến các xã và dạy lưu động để giúp học viên có điều kiện thực hành tốt”.
Dù mới thành lập từ năm 2008 nhưng TT Dạy nghề Liên Chiểu cũng đã đào tạo được 461 học viên, trong đó có 59 học viên thuộc diện di dời, giải tỏa. Ông Nguyễn Đức Trí, Phó Giám đốc TT cho rằng, việc chuyển đổi ngành nghề với những hộ di dời giải tỏa không dễ dàng nhưng TT cũng hy vọng các học viên học xong sẽ có việc làm để ổn định cuộc sống. Trong năm 2011, TT sẽ tập trung dạy những nghề cơ bản nhất cho các học viên.
Việc làm cần thiết
Để tuyển được học viên, các TT đã phải sử dụng nhiều kênh thông tin như báo chí, truyền hình… Thậm chí cán bộ TT phải đến tận tổ, phường, xã để vận động học viên đến lớp. Thế nhưng, khi đến lớp học, hầu hết các học viên đều hào hứng tham gia. Theo chân anh Nguyễn Anh Hậu, giáo viên dạy trồng nấm của TT Dạy nghề Hòa Vang đến lớp trồng nấm bào ngư (nấm sò), nấm rơm ở Hòa Khương mới hiểu được sự háo hức của các học viên. Lớp học đặt tại nhà chị Trần Thị Hoa (Hòa Khương), suốt ba tháng, 13 học viên được học lý thuyết và thực hành ngay tại chỗ. Hiện nay, những giàn nấm bào ngư đầu tiên đã cho sản phẩm. Anh Nguyễn Tấn Hùng (45 tuổi), học viên lớp học không giấu nổi phấn khởi: “Từ trước đến giờ ngoài nghề nông chẳng biết làm gì, nhờ các chính sách của thành phố chúng tôi được học nghề mà không mất tiền, ban đầu lại được hỗ trợ giống, nguyên vật liệu nên chúng tôi mừng lắm. Cũng mong sẽ sớm áp dụng được những gì đã học để ổn định cuộc sống và thoát nghèo”.
Đã tham gia giảng dạy nhiều khóa học, anh Hậu vui vẻ cho biết: “Những học viên đã lớn tuổi đi học nghề cũng khó khăn, mình phải dạy trên thực tế, vừa học vừa hành để họ thấy được sản phẩm thì họ mới tin. Học viên ham học cũng mừng, chỗ nào chưa hiểu, làm chưa được là gọi điện hỏi ngay”.
Riêng những lớp nấu ăn, độ tuổi trung bình trên dưới 40, nhiều học viên tỏ ra rất thích thú. Sau khóa học, với việc thành thục nhiều món đa dạng từ bún, mì Quảng, các món nhà hàng, tiệc… mỗi học viên đều ấp ủ một dự định cho riêng mình, người thì sẽ mở một quán bún nơi ở mới, người thì sẽ xin nấu ăn tại các quán ăn, người thì đi nấu cỗ thuê, hoặc đơn giản có người đi học để nấu được bữa cơm ngon trong gia đình. Chị Lê Thị Mỹ Hương (30 tuổi, Hòa Châu), tốt nghiệp khóa nấu ăn của TT đã về làm việc tại Trường mầm non Hòa Phước tâm sự: “Qua khóa học mới biết thêm về các chế độ sinh dưỡng, cách nấu sao cho bảo đảm an toàn vệ sinh…”.
Hỗ trợ người dân trong diện di dời giải tỏa chuyển đổi ngành nghề là việc làm cần thiết và quan trọng. Tuy nhiên, “việc vận động những người trên 45 tuổi đến lớp không dễ dàng. Chưa kể đến nhiều học viên trẻ, chưa xác định mình có theo nghề lâu dài hay không nên không chú trọng vào việc học nghề ngắn hạn nên chưa thực sự mặn mà, tha thiết với việc học. Ngoài ra, đội ngũ giáo viên thường là hợp đồng, giáo viên thỉnh giảng nên TT cũng gặp nhiều bị động trong việc bố trí lớp học”, ông Nguyễn Đức Trí cho biết thêm.
Bà Kiều Thị Thanh Trang cũng nhấn mạnh, đào tạo nghề cho những người thuộc diện di dời giải tỏa, mất đất sản xuất là việc rất cần thiết để họ có cơ hội kiếm việc làm có thêm thu nhập ổn định cuộc sống. Năm 2010, hơn 80% học viên tốt nghiệp các khóa học đã có được việc làm. Các lớp học nghề ngắn hạn dành cho các đối tượng chính sách đều miễn phí, có hỗ trợ của ngân sách thành phố.
Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng năm 2011, Sở LĐ-TB&XH tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân biết đến các lớp học. Bên cạnh đó, phải xác định nhóm đối tượng và những ngành nghề phù hợp, đầu tư thêm trang thiết bị để thu hút học viên gắn với giải quyết việc làm để học viên học xong là có việc làm ngay.
Thu Hà