Sớm hướng tới chứng nhận đăng kiểm số
Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN), hiện toàn quốc có hơn 4,3 triệu xe ô tô được cấp số quản lý kiểm định, trong đó năm 2020 có hơn 3,7 triệu lượt vào đăng kiểm, tương ứng với số giấy chứng nhận đăng kiểm được cấp.
Trên thực tế có khá nhiều trường hợp chủ xe ô tô bị thất lạc, rách hỏng giấy chứng nhận đăng kiểm, gây ra nhiều phiền hà với chủ phương tiện khi đem xe đi đăng kiểm. Đơn cử, với trường hợp xe ô tô bị mất giấy chứng nhận đăng kiểm đến kiểm định trước thời hạn, chủ phương tiện phải viết cam kết giấy tờ trên không bị cơ quan chức năng giữ hoặc sử dụng vào mục đích khác mới được tiếp nhận kiểm định bình thường. Từ năm 2015 đến nay, giấy chứng nhận đăng kiểm có hình thức là một tờ A5 in hai mặt để chủ xe dễ bảo quan hơn. Tuy nhiên, nhiều chủ xe cho biết, do kích thước loại giấy chứng nhận này to hơn căn cước công dân nên khó thể để vào ví đem theo người. Cũng vì cỡ giấy nhỏ hơn các loại giấy tờ tài liệu khác nên dễ thất lạc.
Mặt khác, dù xe ô tô có tem đăng kiểm, giấy chứng nhận đăng kiểm cũng đã được lưu trữ trên hệ thống điện tử của Cục ĐKVN, truy cập trực tuyến 24/24h; chủ xe vẫn được yêu cầu phải mang theo thêm giấy chứng nhận đăng kiểm để xuất trình lúc các cơ quan chức năng kiểm tra hoặc đi đăng kiểm. Do vậy, nhiều chủ xe và trung tâm đăng kiểm cho rằng, nếu có thể số hoá hoàn toàn chứng nhận đăng kiểm ô tô thì sẽ có rất nhiều lợi ích. Ví dụ như chủ xe tránh được rủi ro về mất giấy tờ; trung tâm đăng kiểm không phải in ấn, quản lý phôi giấy chứng nhận; vừa tiết kiệm chi phí, lại có thể giải quyết được tình trạng làm, sử dụng giấy chứng nhận giả.
Cũng nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay công nghệ mã vạch QR đang rất phổ biến, các nhà quản lý nên cân nhắc bổ sung thêm mã vạch QR trên tem đăng kiểm, hướng tới xây dựng nền tảng dữ liệu về chứng nhận đăng kiểm điện tử. Theo đó, lực lượng chức năng chỉ cần quét mã vạch để truy cập đầy đủ dữ liệu hồ sơ trực tuyến, với điều kiện hồ sơ này phải chính xác, cập nhật thường xuyên. Như vậy, thủ tục đăng kiểm hoặc kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông có thể đơn giản hơn nhiều.
Trước những đề xuất nêu trên, Cục ĐKVN cho biết, trong 1- 2 năm tới, theo kế hoạch số hóa lĩnh vực kiểm định xe cơ giới, sẽ cập nhật, bổ sung chương trình phần mềm quản lý kiểm định phương tiện. Trong đó nghiên cứu chuyển đổi số, chuyển bản giấy chứng nhận đăng kiểm ô tô thành bản điện tử, giúp thuận lợi hơn cho chủ phương tiện, góp phần giảm thủ tục và chi phí trong lĩnh vực đăng kiểm. Theo đó, chuyển đổi số trong lĩnh vực đăng kiểm là một xu hướng tất yếu, giúp nâng cao hiệu quả quản lý, đảm bảo các phương tiện lưu thông trên đường được đăng kiểm đầy đủ, đúng hạn.
Cần thay đổi thói quen thanh toán tiền mặt
Một thách thức lớn trong chuyển đổi số lĩnh vực đăng kiểm hiện nay chính là thay đổi thói quen thanh toán tiền mặt của các chủ xe, lái xe thuê sang thanh toán điện tử.
Theo các trung tâm đăng kiểm, chủ phương tiện khi được cấp chứng nhận kiểm định phải nộp ba khoản gồm: Phí (giá) dịch vụ đăng kiểm, lệ phí cấp giấy chứng nhận kiểm định và phí sử dụng đường bộ. Trừ một số trường hợp xe có chu kỳ đăng kiểm 3 tháng chỉ phải nộp gần 1 triệu đồng cho các khoản trên, còn lại đều từ trên một triệu đến vài triệu đồng. Trong đó, lệ phí cấp giấy chứng nhận kiểm định và phí sử dụng đường bộ được đơn vị đăng kiểm thu hộ ngân sách nhà nước.
Mỗi lượt giao dịch khi đăng kiểm ô tô thường có giá trị tiền triệu, nhưng hầu hết vẫn giao dịch bằng tiền mặt. Theo quy định hiện hành, các trung tâm đăng kiểm được phép thu phí, lệ phí đăng kiểm và phí sử dụng đường bộ bằng các hình thức tiền mặt, quẹt thẻ POS, chuyển khoản, ví điện tử… Tuy vậy, theo thống kê của Phòng Tài chính, Cục ĐKVN, giao dịch điện tử mới chỉ chiếm khoảng 15% trong tổng toàn bộ các giao dịch.
Mặc dù thanh toán điện tử đã được khuyến khích từ lâu nhưng có nhiều nguyên nhân khiến tỉ lệ giao dịch điện tử còn thấp. Về phía các trung tâm đăng kiểm, nhiều đơn vị cho biết đã từng trang bị máy quẹt thẻ POS nhưng sau đó phải cất đi vì khách hàng không có nhu cầu sử dụng. Nguyên nhân chính do khách hàng khi quẹt thẻ POS thanh toán phải mất thêm 1-2,5% phí giao dịch. Bên cạnh đó, nhiều khách hàng cho biết, dù có lựa chọn quẹt thẻ ATM hay chuyển khoản qua điện thoại nhưng do thói quen sử dụng tiền mặt từ lâu nên họ không lựa chọn thanh toán điện tử.
Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, xu hướng thanh toán điện tử đang rất phổ biến, vừa giảm nguy cơ lây lan vi rút, vừa tiện lợi, tạo văn minh trong dịch vụ đăng kiểm. Đối với các trung tâm đăng kiểm, việc đẩy mạnh hình thức thanh toán này còn có thể giảm được nguy cơ rủi ro trong thu, nộp lại phí sử dụng đường bộ. Ví như tránh việc nhận tiền giả của khác, khách trả thừa nhưng không đủ tiền mặt giả lại, khách trả thiếu tiền, tiền cũ, rách… Đặc biệt, điều này cũng tạo điều kiện thuận lơn cho các đơn vị này nộp lại phí sử dụng đường bộ cho ngân sách nhà nước hàng ngày, đặc biệt khi số tiền có thể lên tới hàng trăm triệu, hàng tỉ đồng.