Vừa qua, bà Lê Việt Nga - Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) dẫn đoàn công tác, làm việc với Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội tại Trung tâm Bảo tàng gốm Bát Tràng thuộc xóm 1 Bát Tràng, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội để bàn về kế hoạch triển khai phối hợp tổ chức sự kiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Cùng đoàn công tác có ông Nguyễn Như Chinh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tham dự.
Về phía Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội, có bà Hà Thị Vinh - Chủ tịch Hiệp hội, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) tiếp đón và làm việc.
Tại buổi làm việc, bà Hà Thị Vinh báo cáo những kết quả đạt được về hoạt động, kinh doanh và những thuận lợi, khó khăn trước và sau đại dịch COVID-19. Bên cạnh những thuận lợi về thế mạnh về đa dạng loại hình sản phẩm, chất lượng được, uy tín được nâng cao, song còn nhiều khó khăn về quảng bá sản phẩm, về nguồn nguyên liệu, thị trường, cơ sở hạ tầng...
Người đứng đầu Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội cũng mong muốn được Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) quan tâm, hỗ trợ, tham mưu cho lãnh đạo Bộ, Chính phủ quan tâm hơn nữa về chính sách để doanh nghiệp phát triển trong hoạt động, sản xuất và buôn bán sản phẩm cả trong nước và nước ngoài.
Ghi nhận những nỗ lực và kết quả đạt được to lớn của Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội trong thời gian qua, bà Lê Việt Nga - Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) bày tỏ sự vui mừng và mong muốn bà Hà Thị Vinh tiếp tục có nhiều đóng góp hơn nữa cho sự phát triển của làng nghề, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị mang đậm nét văn hóa Việt; gìn giữ và bảo tồn những sản phẩm mang ý nghĩa truyền thống và quảng bá các sản phẩm sâu rộng trong cả nước và thế giới; nhân rộng những mô hình đẹp, cách làm hay đến các làng nghề tại Việt Nam.
Không chỉ riêng ở mảnh đất Hà Nội, mà ở các tỉnh thành đều có tiềm năng và lợi thế riêng để phát triển làng nghề. Những năm qua, thành phố Hà Nội luôn duy trì vai trò đi đầu, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các tỉnh, thành phố quảng bá, tiêu thụ sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên thị trường Thủ đô.
Đoàn công tác thăm quan những tác phẩm độc đáo, tinh hoa của các nghệ nhân được trưng bày tại Bảo tàng Bát Tràng. |
Cũng tại buổi làm việc bàn về kế hoạch phối hợp triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giữa Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) và Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm làng nghề và các sản phẩm OCOP của nghệ nhân, thợ giỏi, doanh nghiệp của Hà Nội, bà Lê Việt Nga cho biết, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tiếp tục tạo bước chuyển biến tích cực và có sự lan tỏa đến hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân trong ý thức, ưu tiên sử dụng hàng hóa trong nước.
Trong những năm gần đây, hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá đang được các cấp, các ngành, các địa phương triển khai tích cực, góp phần thúc đẩy lưu chuyển hàng hóa, mở rộng đầu ra cho sản phẩm làng nghề. Để sản phẩm làng nghề thực sự có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, ngoài sự nỗ lực của ngành chức năng mỗi cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trong làng nghề phải sản phẩm, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Song, vẫn cần sự quan tâm hơn nữa của Chính phủ, của các Bộ, ngành địa phương để mỗi vùng, miền, tỉnh, thành, huyện, xã đều phát triển làng nghề sẵn có, gìn giữ những giá trị của sản phẩm gắn liền với nét văn hóa của người Việt.
Ông Nguyễn Như Chính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, mong muốn Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương quan tâm nhiều hơn nữa về cơ chế chính sách, có sự đãi ngộ, ưu tiên đối với từng sản phẩm của làng nghề ở từng địa phương; hỗ trợ, tạo điều kiện về xây dựng cơ sở hạ tầng, mặt bằng bằng hoạt động sản xuất cho các làng nghề tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.
Bà Hà Thị Vinh chia sẻ, gốm sứ Quang Vinh luôn đặt ra 3 thách thức để vượt qua: Một là, sản phẩm gốm sứ hiện đại muốn cạnh tranh, muốn phát triển trước tiên phải đổi mới công nghệ. Hai là, sáng tạo ra những đề tài nghiên cứu khoa học, những dòng sản phẩm mới. Ba là, hợp lý hóa trong sản xuất để tiết kiệm chi phí đầu vào.
"Hiện nay, trên 80% sản phẩm gốm của Quang Vinh sử dụng công nghệ này và được nhiều đối tác nước ngoài ở thị trường khó tính ở châu Âu hay Nhật Bản, Trung Quốc chấp nhận. Để cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu của những thị trường lớn, Quang Vinh còn hợp tác với các họa sĩ, chuyên gia nước ngoài để thiết kế kiểu dáng, mẫu mã sản phẩm đa dạng, phù hợp với thẩm mĩ của nhiều khu vực" - bà Vinh cho biết thêm.
Theo bà Vinh, mỗi nghệ nhân, thợ giỏi ở làng nghề Bát Tràng đều là một mắt xích quan trọng trong sợi dây kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai. Chính họ đã gìn giữ truyền thống làng nghề trong hàng trăm năm qua, các thế hệ nối tiếp nhau nhưng ngọn lửa trong các lò nung và tình yêu với nghề gốm truyền thống không bao giờ tắt. Nhờ vậy, Làng nghề gốm sứ Bát Tràng tự hào luôn là làng nghề kiểu mẫu trong số hơn 1.000 làng nghề ở Hà Nội.
Có thể nói, làng nghề gốm sứ Bát Tràng (Hà Nội) là một làng nghề truyền thống điển hình tại Việt Nam có từ lâu đời, nổi bật với các sản phẩm gốm sứ cao cấp đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước. Bên cạnh thay thế công nghệ sản xuất lạc hậu bằng công nghệ sạch, Bát Tràng còn là điểm du lịch của thành phố Hà Nội. Đặc biệt, Bảo tàng nghề gốm Bát Tràng được nằm trong dự án "Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt" nhằm mục đích phát triển làng nghề và lưu giữ nét truyền thống của nghề gốm dần trở thành không gian đậm chất văn hóa thu hút khách du lịch.
Người đứng đầu Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội cho biết, nơi đây được hình thành nhằm tạo ra điểm đến độc đáo của du lịch làng nghề Việt Nam, trưng bày và quảng bá rộng rãi hình ảnh và thương hiệu gốm sứ và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam khác tới du khách trong và ngoài nước. Thu hút du khách trong và ngoài nước tới tham quan, chiêm ngưỡng, tìm hiểu về văn hoá làng nghề Việt Nam thông qua những sản phẩm gốm sứ và thủ công mỹ nghệ tinh hoa, độc đáo được trưng bày đẹp mắt và sắp xếp theo sự phát triển của thời gian. Đồng thời trải nghiệm thực tế với gốm trong không gian truyền thống cùng với các nghệ nhân nổi tiếng và những người thợ tài hoa.
Đến đây, du khách sẽ được tham quan bảo tàng gốm sứ, khu trưng bày các sản phẩm gốm sứ độc bản, khu ẩm thực đặc sản mang hương vị cổ của Hà Nội, với các món ăn được chế biến từ các sản phẩm nông sản OCOP. Ngoài ra còn các khu trải nghiệm nghề cho các đoàn du lịch trong và ngoài nước.