Tại Hội thảo, nhiều đại biểu đã trình bày những vấn đề nhằm thúc đẩy mạnh mẽ KH&CN. Theo đó, để những sáng kiến không nằm yên trong “ngăn kéo” thì cần xác định nhu cầu thiết yếu của xã hội và cần có hành động quyết tâm hơn đối với nhà quản lý. Ngoài ra, để phát huy sức mạnh KH&CN thì cần thiết tạo sự liên kết chặt chẽ giữa nhà khoa học và doanh nghiệp. Nhà khoa học nghiên cứu tốt nhưng không thể đưa vào thị trường và ứng dụng rộng rãi và ngược lại, cho nên cần cơ chế phối hợp chặt chẽ vấn đề này…
Ông Phạm Thế Dũng, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ (Bộ KH&CN) cho rằng, kết nối cung - cầu công nghệ thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ cần vai trò của các tổ chức trung gian nhằm khuyến khích các hoạt động dịch vụ chuyển giao công nghệ trong bối cảnh thị trường KH&CN ở nước ta vẫn còn mặt hạn chế.
Ông Dũng cũng nhấn mạnh, hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ là một trong những giải pháp cụ thể, quan trọng trong việc tăng cường dịch vụ chuyển giao công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn cung công nghệ. Ngoài ra, kết nối cung – cầu còn là “lời giải” cho “bài toán” trong việc cải tiến, ứng dụng và chuyển giao công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Còn theo ông Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả, mặc dù nước ta đầu tư nhiều về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại để phát triển KH&CN, thế nhưng, có thực trạng chung là các cơ sở này chưa hoạt động đồng bộ; các trường và trung tâm ứng dụng chưa có sự liên kết, hợp tác chặt chẽ, chưa tận dụng được thế mạnh hiện có để phát triển KH&CN một cách đột phá.
Ngoài ra, ông Đông nêu quan điểm, cần chú trọng phát triển nông nghiệp 4.0 để thay đổi phương thức quản lý nông nghiệp để “mở đường” cho hoạt động sản xuất chính xác, chặt chẽ mà con người không cần có mặt trực tiếp. Dịp này, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Cần Thơ đã ký kết hợp tác chiến lược với các đối tác. Đồng thời, trưng bày, triển lãm hơn 60 gian hàng tiêu biểu về ứng dụng KH&CN.