Đẩy mạnh du lịch từ giải đua F1 năm 2020: Học gì từ kinh nghiệm thế giới?

Giải đua F1 là cơ hội lớn cho ngành du lịch.
Giải đua F1 là cơ hội lớn cho ngành du lịch.
(PLVN) - Sự kiện được mong chờ nhất của ngành Du lịch Việt Nam 2020 đó là Việt Nam trở thành quốc gia Đông Nam Á thứ 3 đăng cai tổ chức giải đua xe Công thức 1 (F1). Nhìn lại các nước, Singapore lần đầu tổ chức giải đua trên vào năm 2008, đến nay “hốt” bạc tỷ nhưng Malaysia lại không như mong đợi. Nguyên nhân do đâu và Việt Nam có rút được bài học gì?

Singapore kiếm bộn tiền từ đường đua 

Năm 2008, khi Singapore đăng cai tổ chức giải đua F1 vào tháng 9, cả thế giới phải đặt ra câu hỏi: “Quốc đảo này quá chật hẹp, lấy đâu ra đất để xây dựng đường đua?”. Tuy nhiên, với ý tưởng tổ chức giải F1 vào ban đêm, áp dụng công nghệ tiên tiến khiến cuộc đua được diễn ra trong điều kiện gần như ban ngày, Singapore đã gây ấn tượng cho du khách quốc tế.

Người Singapore lấy luôn đường phố ở khu Marina Bay làm nơi để các tay đua “trổ tài”, cũng giống như Giải đua tại Monaco – một trong những đường đua hấp dẫn nhất trên thế giới. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch Singapore, giải F1 đã thu hút 350.000 du khách quốc tế đến với Singapore trong 8 năm. Nhờ đó, ngành du lịch nước này đã bỏ túi thêm 150 triệu đô la Singapore mỗi năm. 

Quản lý chặt chẽ quảng cáo liên quan cuộc đua

Cuộc đua F1 không chỉ đơn thuần là một môn thể thao của tốc độ cao. Sức hút của giải đua còn từ các nhà tài trợ là đại diện cho một số thương hiệu toàn cầu hấp dẫn nhất. Đơn cử, từ mối quan hệ lâu đời giữa các nhà sản xuất thuốc lá và đua xe công thức 1, theo thông lệ của nhiều nước, thuốc lá từng được quảng cáo tràn lan trong cuộc đua F1.

Tuy nhiên, do áp lực của công chúng và sự thay đổi thái độ đối với việc hút thuốc nên mối quan hệ giữa cuộc đua F1 và các thương hiệu thuốc lá đã được chấm dứt một vài năm trước. Đến nay, các tranh luận liên quan đến quảng cáo rượu lại trở nên gay gắt hơn. 

Trên toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương, có 42% số người được khảo sát ý kiến tin rằng quảng cáo rượu trong cuộc đua F1 là thích hợp, trong khi số người phản đối chiếm 37%. Malaysia và Indonesia là hai quốc gia ngoại lệ với số người được khảo sát ý kiến tin rằng quảng cáo rượu trong cuộc đua F1 là không phù hợp chiếm tỷ lệ cao hơn (54% người Malaysia và 48% người Indonesia) so với số người coi điều này là phù hợp (30% ở Malaysia và 31% ở Indonesia). 

Nhiều thương hiệu nước ngoài khi đưa các chiến dịch quảng cáo tại Việt Nam đã gặp phải những chỉ trích về mặt không phù hợp với thuần phong mỹ tục. Do đó, các ấn phẩm quảng cáo cần được sự chú ý nhất định nhằm đảm bảo các thông điệp, chiến dịch quảng cáo phù hợp với mục đích của mùa giải, không vi phạm pháp luật về quảng cáo của Việt Nam.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, F1 ngày càng giảm sức hút ở Singapore. Chặng đua năm 2017 có lượng khán giả ở mức thấp kể từ năm 2008. Trung bình, lượng khán giả giảm 15%. Cuộc đua diễn ra vào cuối tuần kéo dài trong ba ngày thu hút 219.000 khán giả, tức 73.000 người/ngày. Đây có thể hiểu là một tín hiệu cho rằng, tay đua và người xem có thể đang tìm kiếm những “sân chơi” mới ví như Việt Nam.

Tuy nhiên, nếu nói về góc độ tổ chức, Singapore luôn được đưa ra là ví dụ hàng đầu. Đầu tiên, về mặt tìm kiếm nhà tài trợ, hợp đồng giải F1 có thời hạn 5 năm, theo đó, các nước chủ nhà phải chi trả chi phí khoảng 150 triệu USD cho mỗi hợp đồng đó. Vì vậy, đi tiên phong với tư cách là nhà tài trợ tài chính là nhà mạng Singtel, sau đó là hãng hàng không Singapore Airlines từ năm 2014. Bởi lẽ, ngành du lịch Singapore nhận ra, giải đấu là một chìa khoá khai phá, thúc đẩy tiềm năng du lịch. 

Bên cạnh đó, có tới 40% khán giả của Giải đua F1 Singapore là người nước ngoài, có khả năng chi trả cao. Do vậy, việc lựa chọn đúng nhà tài trợ chiến lược có ý nghĩa quan trọng. Tính từ năm 2008, ước tính mỗi năm có 250.000 người đến Singapore để xem đua xe F1, đóng góp cho quốc đảo khoảng hơn 100 triệu USD mỗi năm, so với kinh phí tổ chức là 30 triệu USD.  Doanh thu từ ngành du lịch đã tăng 141% trong giai đoạn 2008 - 2018.

Để tăng sức hút cho giải đấu, Singapore còn tổ chức nhiều sự kiện bên lề, trong đó có thể nhắc tới các đại nhạc hội với sự hiện diện của các nghệ sĩ nổi tiếng quốc tế. Theo dự báo của Tập đoàn Tư vấn Boston (BCG), khoảng 737 triệu USD tới từ chi tiêu du lịch trực tiếp trong vòng 10 năm, tức là mỗi năm du khách tới giải đua F1 chi thêm hơn 70 triệu USD cho các hoạt động du lịch đi kèm. 

Theo tờ The Strait Times, mỗi dịp tổ chức giải, các khách sạn quanh khu Marina Bay đều kín phòng và những chuỗi trung tâm thương mại tại Orchard Road lúc nào cũng đông khách. Ngoài ra, báo cáo của BCG cũng cho hay, một nguồn thu lớn cho quốc đảo đến từ việc bán bản quyền truyền hình, cùng các gói quảng cáo; khi ước tính có khoảng 90 triệu người theo dõi giải đua trực tuyến qua TV. Chưa kể tới người hâm mộ còn theo dõi qua các phương tiện truyền thông khác.

Trước những lợi ích to lớn mà F1 mang lại, người Singapore cũng phải “tỉnh táo”  tính toán đến một số tác động tiêu cực khác như tình trạng cấm đường, giảm du khách tới các khu vực không liên quan tới F1, sức hút của F1 đối với khu vực Đông Nam Á và trên thế giới đang có nhiều thay đổi… bên cạnh mức chi phí đắt đỏ để đăng cai giải đấu. 

Về vấn đề này, David Coulthard, cựu tay đua từng tranh tài với những nhà vô địch thế giới Lewis Hamilton, Sebastian Vettel, Jenson Button..., đã từng góp ý: “Việt Nam nên xây dựng một trường đua riêng bởi lợi ích lâu dài. Nếu sử dụng đường phố làm địa điểm thi đấu, sau khi chặng đua kết thúc sẽ không còn trở thành nơi tổ chức những sự kiện khác”. Những vấn đề chiến lược được đặt ra nhằm duy trì giải đua một cách lâu dài, giúp ngành du lịch hưởng lợi, phát triển một cách bền vững. 

Vì sao Malaysia “chia tay” giải đua F1?

Theo một báo cáo của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), trong giai đoạn 1999 – 2012, ngành du lịch của Malaysia tăng tới 83%, đến từ sức hút của giải đua F1. Chỉ số sắc nét nhất chính là mức tăng trưởng 351% về lượng khách quốc tế hàng năm, khi đất nước này bắt đầu đăng cai tổ chức giải đua từ năm 1999 tại trường đua Sepang, Kuala Lumpur.

Tuy nhiên, trái với mong đợi, do “chi phí quá tốn kém, thu không đủ bù chi”, Malaysia đã phải ngậm ngùi “chia tay” Giải đua F1 vào năm 2017 sau 19 năm gắn bó. Như Thủ tướng Najib Razak nói trong thông cáo gửi tới báo chí trong và ngoài nước: “Chính phủ đã nhất trí kết thúc hợp đồng đăng cai một chặng đua F1 từ năm 2018, căn cứ vào sự sụt giảm doanh thu cho Malaysia so với chi phí bỏ ra để tổ chức cuộc đua” vào tháng 4/2017. 

Giải đua F1 Malaysia từng là một điểm nhấn về văn hóa du lịch cho đất nước này, giúp cho lượng khách du lịch đến Malaysia tăng vọt, quảng bá hình ảnh Malaysia đến toàn thế giới với tư cách là quốc gia châu Á thứ 2 sau Nhật Bản tổ chức được giải đua công thức 1. Chiếu vào tình huống của Việt Nam, đất nước ta cũng sẽ được biết tới là quốc gia thứ 3 tại Đông Nam Á, đồng thời là quốc gia thứ 34 trên thế giới tổ chức giải đua tốc độ lớn nhất toàn cầu.

Tuy nhiên, có thể nhận thấy, vào năm 1999 chỉ có khoảng 16 quốc gia đăng cai tổ chức giải đua F1 trên toàn thế giới. Nhưng đến nay, giải đua công thức 1 có mặt tại 22 quốc gia (không bao gồm những quốc gia đã rút khỏi việc đăng cai giải đua F1), trong đó tại châu Á có Trung Quốc, Bahrain, Singapore, Nhật Bản.

Người Malaysia hiểu rằng giải đua F1 tại Malaysia gặp phải quá nhiều cạnh tranh, đặc biệt đến từ “đối thủ đáng gờm” là Singapore. Nếu ở Singapore đang phải chịu một sự sụt giảm du khách hàng năm là 15% thì tại Malaysia, con số này còn tệ hơn. Giải đua F1 Malaysia 2016 chỉ bán được chưa đến 60% lượng vé phát hành. Trên thực tế, một phần không nhỏ khách du lịch đã bỏ trường đua Sepang có “tuổi đời” gần 20 năm để sang Marina Bay hoặc những trường đua khác mới lạ hơn.

Chiếc xe gầm rú trên đường đua thử ở Mỹ Đình vào tháng 4/2019.
 Chiếc xe gầm rú trên đường đua thử ở Mỹ Đình vào tháng 4/2019.

Nguồn thu ngày càng ít đi nhưng chi phí để tổ chức một chặng đua vẫn không hề rẻ. Mỗi năm Malaysia phải bỏ ra hàng chục triệu USD chỉ riêng phí đăng cai, đó là còn chưa tính đến các chi phí về điều kiện vật chất, truyền thông. Con số được truyền thông ước tính lên đến hơn 50 triệu USD mỗi năm. Ngoài ra, còn phải nhắc tới chi phí bảo trì cho đường đua khi không được sử dụng. 

Quan trọng hơn hết, đơn vị bảo trợ chính cho chặng đua F1 ở Kuala Lumpur từ năm 1999 là Petronas – tập đoàn hoá dầu và khí đốt trực thuộc chính phủ đang liên tục gặp khó khăn vì sự bất ổn về giá dầu trong vài năm gần đây. Điều đó cho thấy, để duy trì giải đua hàng năm tốn kém tới một lượng tiền rất lớn. Vấn đề tài chính là bài toán nan giải nhất cho các quốc gia hiện nay khi quyết định đăng cai giải đua F1, khi cạnh tranh ngày càng nhiều, lượng du khách có chiều hướng phân tán qua các giải đua.

Theo giới truyền thông, việc rút khỏi giải đua F1 đã và đang xảy ra tại nhiều nước được đánh giá là có lịch sử đáng tự hào về đua xe. Đơn cử, nước Đức, quê hương của hai huyền thoại F1 Michael Schumacher, 7 lần vô địch thế giới và Sebastian Vettel, 4 lần vô địch thế giới, từng hai lần hủy kế hoạch tổ chức các chặng đua vào mùa 2015 và 2017.

Hai trường đua lớn ở Đức là Nurburgring và Hockenheim đang phải “gồng gánh” nhiều hơn khi việc thu hút khán giả ngày càng trở nên khó khăn. Cùng lý do với Malaysia, chi phí để tổ chức sự kiện này quá cao, khiến quốc gia này không thể duy trì liên tục chặng đua F1. 

Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung:

“Theo thông báo của F1 thế giới, năm 2020 sẽ có 22 chặng đua, Hà Nội là một chặng đua thứ 3. Đây là giải đua danh giá, ngoài vấn đề thể thao, việc quảng bá hình ảnh Hà Nội cũng như đất nước, con người Việt Nam sẽ rộng khắp trên toàn thế giới.

Bên cạnh đó, đây còn là cơ hội tiếp xúc đầu tư, nơi chuyển giao công nghệ. Sự kiện này được Chính phủ, Ban Thường trực, Thường vụ và Ban Chấp hành phê duyệt, giao cho UBND TP Hà Nội tổ chức, nhưng đăng cai giao cho Tập đoàn Vingroup”.

Ông Gareth Ward – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước Anh tại Việt Nam:

“Cần xây dựng du lịch dựa trên những trải nghiệm cho du khách. Ví dụ sự kiện đua xe công thức 1 sắp tới tại Việt Nam. Đây là cơ hội để thu hút du khách quốc tế tới du lịch và ở lại dài ngày ở Việt Nam”.

Ông Michael Masi – Giám đốc đường đua F1:

“Chúng tôi đang làm việc tích cực để tạo ra những trải nghiệm độc đáo cho các tay đua. Đường đua Việt Nam có sự kết hợp giữa các đoạn đường thẳng dài trong hạng mục cố định với các hạng mục tạm thời. Sẽ có những thử thách khi lái xe từ góc cua 13 trở đi. Tôi tin đó là yếu tố độc đáo sẽ tạo ra cuộc đua xe thú vị”.

Tay đua người Anh Lewis Hamilton – 5 lần giành chức vô địch thế giới, trả lời BBC:

“Tôi đã từng đến Việt Nam trước đây và nó rất đẹp. Tôi cũng từng đến Ấn Độ trước một cuộc đua. Thật kỳ lạ vì Ấn Độ là một nơi nghèo nàn nhưng chúng tôi đã có một đường đua khổng lồ, đẹp đẽ ở một nơi đồng không mông quạnh.

Tôi đã cảm thấy rất mâu thuẫn khi đến dự chặng đua đó. Hay giải đua tại Thổ Nhĩ Kỳ, đường đua và thời tiết đều rất tuyệt vời nhưng lượng khán giải lại quá nghèo nàn. Đó là điều tôi lo ngại khi tổ chức giải đua ở những nước không có lịch sử đua xe thực sự, lâu dài như Đức, Anh, Ý, Pháp và Bỉ”.

Tay đua xe người Nga Mikhail Aleshin – Nhà vô địch của World Series Renault 3.5 năm 2010, trả lời tờ Championat:

“Đường đua ở Việt Nam có một cấu hình khá thú vị. Tôi nghĩ trên đường đua sẽ có những đoạn vượt. Ít nhất là ở vòng ngoặt đầu tiên và sau một đường thẳng dài xa. Khúc vượt thứ hai cũng thú vị. Xét theo đề án, khúc vượt thứ hai khiến cho lốp xe quá tải, có nghĩa là sẽ có rất nhiều lốp mòn. Nói chung, tôi nghĩ Giải đua này rất có triển vọng”.

Ông Derek Tan, nhà phân tích tại Công ty môi giới DBS Vickers ở Singapore:

 “F1 vẫn là giai đoạn đỉnh trong ngành dịch vụ lưu trú ở Singapore. Nhưng lợi nhuận sẽ không chia đều. Khách sạn không ở gần đường đua sẽ mất khách”.

Đ.T (tổng hợp)

Đọc thêm

Thể thao Việt Nam chuẩn bị cho SEA Games 33

Điền kinh tiếp tục là môn thể thao được kỳ vọng đem về nhiều HCV cho TTVN. (Ảnh minh họa)
(PLVN) - “Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045” nêu rõ mục tiêu cụ thể đối với lĩnh vực thể thao thành tích cao là: “Duy trì trong tốp 3 tại các kỳ SEA Games và trong tốp 20 tại các kỳ ASIAD; trong đó phấn đấu đạt từ 5 đến 7 HCV tại các kỳ ASIAD, có huy chương tại các kỳ Olympic”.

Cư dân mạng nói gì về "bàn thắng đẹp mặt" và giải thưởng của cầu thủ Supachok?

Supachok bị chỉ trích khi ghi bàn thắng "xấu xí" vào lưới đội tuyển Việt Nam (Ảnh: FAT).

(PLVN) - Bàn thắng không "fair-play" của Supachok Đội tuyển Thái Lan vào lưới Việt Nam vừa giành giải thưởng Bàn thắng đẹp nhất trận chung kết lượt về ASEAN Cup 2024. Trớ trêu thay khi những lượt bình chọn cho bàn thắng này lại đến từ các cổ động viên của Đội tuyển Việt Nam.Giải thưởng này liệu có phải "sự tôn vinh" cho Supachok?

Sự lịch thiệp của Madam Pang

Bà Madam Pang động viên đội tuyển Thái Lan sau trận chung kết AFF Cup (Ảnh FAT)
(PLVN) - Bà Nualphan “Pang” Lamsam, còn được biết đến với biệt danh "Madam Pang" - Vị Chủ tịch Hiệp hội Bóng đá Thái Lan (FAT) đã có những cư xử đẹp sau trận chung kết AFF Cup 2024.  Bà được nhận xét: "đẹp lịch sự từ cốt cách"

Xuân Son - nơi trái tim thuộc về

Xuân Son hôn lên màu áo đội tuyển quốc gia Việt Nam (Ảnh TXNĐ)
(PLVN) - Có những điều làm nên giá trị của con người không nằm ở nơi khởi đầu, mà ở nơi họ quyết định gửi gắm lý tưởng và sống hết mình. Sinh ra trên đất Brazil xa xôi, Xuân Son đã không để nơi sinh ra đóng khung số phận mình. Anh chọn Việt Nam - một mảnh đất không chỉ là nơi đến, mà còn là nơi thuộc về.

Chấn thương của Nguyễn Xuân Son - Người hùng có bị lãng quên?

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn chúc mừng tuyển thủ Nguyễn Xuân Son sau ca phẫu thuật thành công tốt đẹp. Ảnh: Trần Minh
(PLVN) - Tiền đạo Nguyễn Xuân Son của Đội tuyển Quốc gia Việt Nam đã gặp phải một chấn thương nặng trong trận đấu với Đội tuyển Thái Lan khiến anh sẽ phải nghỉ thi đấu trong thời gian dài. Giống như nhiều trường hợp tương tự trước đó, liệu rằng “Người hùng AFF Cup” Nguyễn Xuân Son có thể lấy lại phong độ ghi bàn hay sẽ sớm lụi tàn do hệ quả chấn thương để lại?

Tặng Huân chương Lao động cho tuyển Việt Nam và 6 cầu thủ

Thủ tướng trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho đội tuyển Việt Nam. (Ảnh: VGP).
Chủ tịch nước Lương Cường vừa ký quyết định trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho đội tuyển bóng đá nam quốc gia Việt Nam. Đây là sự ghi nhận xứng đáng cho hành trình chinh phục ngôi vương khu vực với kỷ lục 7 trận thắng, 1 trận hòa, ghi 21 bàn thắng - thành tích tốt nhất lịch sử giải đấu.