Cần công nhận chữ ký số của đại lý hải quan
Tiến trình cải cách thủ tục hành chính (TTHC) đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) đã đạt được những thành tựu đáng kể. Mới đây, Nghị quyết 19 cũng đã yêu cầu phải giảm tỷ lệ các lô hàng phải KTCN tại giai đoạn thông quan từ 25-27% hiện nay xuống dưới 10%. Tuy nhiên, theo Báo cáo chỉ số kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, doanh nghiệp (DN) vẫn gặp nhiều khó khăn và vướng mắc trong việc tuân thủ các thủ tục KTCN đối với hành hóa XNK.
Các quy định về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa XNK đã được quy định tại các Luật, Nghị định, Thông tư của các bộ, ngành khác nhau. Điều này đã dẫn đến một tình huống mà trách nhiệm quản lý của các cơ quan khác nhau bị trùng lặp, dẫn đến quy trình thủ tục thường không rõ ràng và không nhất quán.
Do vậy, việc góp ý dự thảo Nghị định Quy định về cơ chế Một cửa quốc gia và KTCN đối với hàng hóa XNK sẽ có ý nghĩa lớn trong việc triển khai chỉ đạo đơn giản hóa TTHC, góp phần thúc đẩy nhanh thông quan hàng hóa XNK nhằm tạo thuận lợi thương mại cho DN.
Ông Nguyễn Tương, đại diện Hiệp hội Logictics khẳng định, việc thực hiện TTHC thông qua cơ chế Một cửa Quốc gia theo quy định có thể làm giảm chi phí logictics. Đây là điều mà Chính phủ hiện nay đang rất quan tâm và trăn trở trong quá trình thúc đẩy sức cạnh tranh của DN Việt. Tuy nhiên, thực tế triển khai còn nhiều vướng mắc khiến DN lúng túng.
Cụ thể, theo ông Tương, Luật Hải quan đã quy định rõ Hải quan (HQ) có thể thay mặt DN làm đại lý thủ tục HQ nhưng các quy định mới ở Dự thảo Nghị định này, ở phần quy định trách nhiệm người khai HQ đều chưa nói rõ về người khai HQ là DN thực hiện XNK hay đại lý HQ.
Đại diện Hiệp hội Logictics cho biết, hiện vẫn còn tồn tại thực trạng các cơ quan quản lý nhà nước chưa công nhận chữ ký số của đại lý HQ trong thủ tục KTCN. Chính điều này đã gây ra nhiều bất lợi cho DN khi yêu cầu trực tiếp DN phải ký vào các thủ tục KTCN. Do vậy, Dự thảo Nghị định này cần phải quy định rõ ràng, rằng, đại lý HQ có thể thay mặt chủ hàng làm thủ tục KTCN, như thế mới thấy sự thay đổi rõ nét ở thủ tục XNK hàng hóa.
Đừng để cơ chế Một cửa nửa vời…
Bà Phạm Ngọc Thủy, Phó Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển Kinh tế tư nhân cho biết, cộng đồng DN đánh giá cao về việc tạo thuận lợi thương mại và phát huy giá trị của Cổng điện tử Một cửa Quốc gia. Có những vấn đề DN vướng mắc và kiến nghị nhiều năm đã được giải quyết thông qua Dự thảo Nghị định này. Ví dụ như trị giá hải quan của mặt hàng phi thương mại hoặc hàng hóa cá nhân thực hiện qua XNK.
Nếu như trước đây quy định hàng hóa có giá 5 triệu đồng bắt buộc phải thực hiện KTCN thì nay, với dự thảo Nghị định mới, đã có sự thay đổi rõ nét khi quy định các mặt hàng phi thương mại có thể lên tới 20 triệu đồng hoặc các mặt hàng nguyên chiếc lên tới 20 triệu đồng sẽ không phải KTCN.
Bà Thủy lý giải, nếu như trước đây, mua hàng trên Amazon, từng mặt hàng này đều bắt buộc phải KTCN thì với dự thảo mới này, khi đặt mua từng mặt hàng đơn chiếc và và tổng giá trị đơn hàng lên đến vài chục triệu nhưng cũng không cần phải qua KTCN. Quy định mới này sẽ là một bước ngoặt, thúc đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử.
Tuy nhiên, theo bà Thủy, ngoài những nỗ lực được cộng đồng DN ghi nhận nêu trên, còn nhiều vấn đề lớn khiến DN… “méo mặt”. Ví như sự nửa vời của Cổng điện tử Một cửa Quốc gia vì đã có nhiều tình huống DN đã được các cơ quan KTCN giải quyết nhưng vẫn phải gọi điện thông báo cho cơ quan HQ. Hoặc nhiều trường hợp, DN phải in chứng từ điện tử ra thành chứng từ giấy nộp cho HQ… Do vậy, bà Thủy cho rằng, vấn đề đặt ra với cơ chế một cửa chính là kết nối giữa các bộ, ngành với cơ quan HQ.
Còn một vấn đề lớn liên quan đến thanh toán thuế, phí cũng khiến cho DN gặp nhiều bất lợi. Cụ thể, theo phản ánh của DN, hiện còn nhiều loại phí thu thủ công. Do vậy, quy trình hoàn tất trách nhiệm thuế, phí khiến DN mất nhiều thời gian và công sức.
Bà Dương Thu, đại diện Công ty Chuyển phát nhanh T&T cũng cho rằng, dự thảo Nghị định này cần phải thêm mục về phương thức thanh toán phí và lệ phí. Theo bà Thu, DN của bà cũng như nhiều DN khác đều gặp bất lợi trong mỗi kỳ kiểm toán vì quá trình này luôn bị đặt câu hỏi “Vì sao không thanh toán KTCN bằng chuyển khoản”. Bà Thu khẳng định, nếu có quy định rõ ràng minh bạch về thanh toán bằng chuyển khoản thì DN sẽ đơn giản hơn trong mỗi lần kiểm toán cũng như tiết kiệm được nguồn lực cho DN.