Trong những năm qua, hoạt động TGPL và việc bảo đảm quyền được TGPL nói chung và TGPL cho trẻ em đã góp phần tích cực vào việc cải thiện và thúc đẩy việc thụ hưởng các quyền con người và quyền công dân của người dân. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2015 đến năm 2019, các Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh, thành phố đã thực hiện được 382.960 vụ việc TGPL cho 382.960 lượt người được TGPL. Riêng thực hiện TGPL cho trẻ em, người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo, các Trung tâm TGPL nhà nước đã thực hiện được 18.155 vụ việc, trong đó tham gia tố tụng 10.450 vụ việc, đại diện ngoài tố tụng 127 vụ việc, tư vấn 7.510 vụ việc.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, số lượng vụ việc xâm hại trẻ em vẫn không ngừng gia tăng. Theo thống kê số liệu của Bộ Công an, từ năm 2015 đến tháng 6/2019, toàn quốc xảy ra hơn 7.829 vụ xâm hại trẻ em với 7.767 trẻ em bị xâm hại. Tại Hà Nội, từ năm 2015 đến hết tháng 6/2019, có 365 vụ xâm hại trẻ em với 313 trẻ em bị xâm hại, trong đó, xâm hại tình dục 199 vụ (chiếm 54,5%) với 220 trẻ. Nhiều địa phương trên cả nước cũng xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em như TP Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Đắk Lắk, Tây Ninh, Đồng Nai… Những số liệu này cho thấy cần phải nỗ lực hơn nữa đểhoàn thiện khung khổ luật pháp chính sách, hoàn thiện các thiết chế hành pháp và tư pháp để phòng ngừa và bảo vệ trẻ em khỏi mọi hình thức xâm hại.
Vấn đề quan trọng là những quy định này của pháp luật phải được thi hành đồng bộ và hiệu quả, với sự vào cuộc đồng thời của các cơ quan công an, kiểm sát, tòa án, lao động thương binh xã hội, tư pháp, đặc biệt là đẩy mạnh các hoạt động của các Trung tâm TGPL.Theo đó, thực hiện các biện pháp phù hợp để thu hút các nguồn lực xã hội tham gia công tác TGPL thông qua việc ký hợp đồng thực hiện TGPL với luật sư, cộng tác viên, tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật.
Bên cạnh đó, cần nâng cao trách nhiệm của luật sư với tư cách là người bảo vệ công lý khi tham gia TGPL cần nhiệt tình, có trách nhiệm, bảo đảm cung cấp dịch vụ pháp lý có chất lượng khi thực hiện TGPL cho các đối tượng dễ bị tổn thương; đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo theo hướng tập trung vào đào tạo, bồi dưỡng nâng cao đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn nghề nghiệp, kỹ năng TGPL đặc biệt là kỹ năng trợ giúp cho các đối tượng đặc thù là phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người già... trong các lĩnh vực dân sự, hình sự, hành chính.