Tất cả những hành vi, thói quen xấu của các bậc phụ huynh sẽ khiến cha mẹ trở thành một tấm gương không hay trong mắt con trẻ. Những gì cha mẹ làm hằng ngày đều ảnh hưởng tới quá trình trẻ phát triển về thể chất và tinh thần. Nếu hành xử của cha mẹ lệch chuẩn, thiếu gương mẫu thì cho dù có dạy con lời hay ý đẹp cũng có thể phản tác dụng và dễ tạo tổn thưởng tâm lý trong con trẻ.
Lười biếng, bệ rạc là “căn bệnh” của nhiều ông chồng trong đời sống hàng ngày. Điều này càng trở thành nỗi ám ảnh với vợ con trong những ngày giãn cách, ở nhà cả ngày với nhau trong một thời gian dài. Vợ làm quần quật không hết việc nhà, chồng thì quanh quẩn hết ăn lại ngủ, xem tivi, chơi game... Điều này không chỉ khiến người vợ mệt mỏi, mất tinh thần mà còn khiến con cái nhìn vào người cha như một tấm gương xấu.
Chị Lê Thị Thảo Nguyên, giáo viên tiểu học, ngụ phường Trường Thọ, Thủ Đức chia sẻ: “Chồng tôi làm nghề môi giới bất động sản. Ra ngoài anh năng nổ, hoạt ngôn bao nhiêu thì về nhà lại bệ rạc bấy nhiêu. Ngày thường, anh đi làm về ăn uống, tắm rửa, chơi với con chút là đi ngủ. Cuối tuần nhiều khi cũng lấy cớ để ra ngoài tụ tập, hoặc ở nhà cũng chỉ xem tivi suốt, nhắc đến mỏi miệng mới giúp vợ lau cái nhà. Thời điểm bình thường, thông cảm chồng đi làm nhiều nên tôi cũng không than thở gì. Nhưng mùa dịch này, anh không có việc để làm mà chỉ nằm dài cả ngày xem phim, chơi game... Không chỉ thế, hai đứa con trai cũng bắt chước ba, suốt ngày chơi và bày bừa ra nhà, nói mấy cũng không phụ giúp mẹ gì cả khiến tôi mệt mỏi thực sự”.
Chị Nguyễn Mỹ Nhung, nhân viên kinh doanh một công ty nhựa ở quận Bình Tân thì than thở chuyện chồng kén ăn. “Ngày thường anh ấy đã kén ăn, bữa ăn phải luôn có từ 3 món trở lên, đủ rau, thịt, cá. Và không phải món gì anh ấy cũng ăn. Nhưng dịch dã thế này, mua được thức ăn đã khó, làm sao theo ý mình được. Anh ấy không chịu hiểu cho, ngày nào cũng càm ràm, cũng đòi ăn món này, món nọ. Bữa cơm nhà ngày nào cũng ồn ào, khó chịu. Cả nhà không vui”, chị Nhung kể.
Nhiều ông chồng lại mắc thói xấu bừa bộn. Vợ quần quật cả ngày với việc nhà, chồng thì bạ đâu bày đó, khiến vợ mất thêm nhiều thời gian để dọn dẹp. Nhìn “gương” cha, những đứa trẻ cũng khó lòng học thói quen ngăn nắp, trật tự. Có anh chồng gia trưởng, ngày dịch ở nhà càng mệt mỏi, chuyển sang đòi hỏi, bắt nạt, quát tháo cả nhà. Có anh chồng mùa dịch vẫn xoay sở mua được vài thùng bia về, ngày ngày say sưa quên đời, phó mặc vợ con.
Nhiều người mẹ cũng có thói quen không tốt có thể ảnh hưởng đến không khí gia đình, đến tâm lý trẻ con. Nhiều chị, ở nhà lâu sinh cáu bẳn, khó tính, quát chồng mắng con. Có chị vì áp lực cơm áo, chì chiết, tỏ thái độ coi thường chồng. Có người thì nghiện mạng xã hội, rảnh rỗi là tìm vui trên mạng. Có những đôi vợ chồng suốt ngày bất hòa, cãi cọ, xúc phạm nhau, thậm chí không nhìn mặt nhau. Ngôi nhà càng chật hẹp và ngột ngạt hơn trong những ngày giãn cách.
Thời điểm dịch bệnh, trẻ không được ra ngoài, không có giao tiếp rộng rãi, không có nhiều thú vui chơi. Trẻ sẽ có những mệt mỏi, căng thẳng và tổn thương riêng. Lúc này, trẻ chỉ có lựa chọn duy nhất là gia đình nhỏ. Nếu gia đình không phải mái ấm thì con trẻ sẽ bơ vơ, thiếu điểm nương tựa tinh thần và dễ hành xử lệch chuẩn, “nổi loạn” hoặc tự thu mình vào thế giới riêng. Con trẻ rất cần ở cha mẹ hòa thuận và yêu thương, tạo nên một mái ấm nhiều sự thấu hiểu trong những ngày dịch bệnh và giãn cách này.