Dạy chữ, dạy người, đặc biệt là rèn luyện đạo đức cách mạng, hoài bão lớn lao về quê hương, Tổ quốc là mục tiêu cao nhất của giáo dục-đào tạo, của nhà trường xã hội chủ nghĩa. Đó là khẳng định của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh khi dự lễ khai giảng tại một trường THPT ở Hà Nội. Đó cũng là yêu cầu của các nhà lãnh đạo Đà Nẵng khi phát biểu trong lễ khai giảng tại các trường trên địa bàn thành phố vào sáng qua (6-9).
21,8 triệu học sinh, sinh viên trên cả nước, trong đó có gần 200.000 học sinh thành phố Đà Nẵng, đã bước vào năm học mới. Năm học 2010-2011 mang chủ đề “Tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục” cho thấy chất lượng giáo dục vẫn được đặt lên hàng đầu và việc nâng cao chất lượng giáo dục là yêu cầu cấp thiết. Ngành Giáo dục-Đào tạo thành phố Đà Nẵng đang nỗ lực với các nhiệm vụ trọng tâm, như khẳng định của Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo Lê Trung Chinh (Báo Đà Nẵng ngày 6-9-2010). Việc nâng cao chất lượng giáo dục phải xuất phát từ cả hai phía: nhà trường và học sinh.
Thầy phải chủ động thay đổi phương pháp giảng dạy, tạo sự tương tác giữa thầy và trò; trò phải tư duy năng động, phản biện, tự học, tự nghiên cứu, tạo sự cộng hưởng hiệu quả nhất nhằm tiến đến thay thế hoàn toàn phương pháp đọc - chép. Dẫu biết rằng, việc đổi mới này không dễ dàng mà là quá trình tích tụ, trải qua nhiều thời gian mới đến thời điểm chín muồi, chứ không có sự đột biến ngay về chất lượng, nhưng xã hội vẫn trông chờ và hy vọng vào diện mạo mới của nền giáo dục nước nhà.
Công tác đào tạo, chăm sóc thế hệ trẻ vừa hồng vừa chuyên đang được thành phố Đà Nẵng đặc biệt chú trọng và bước đầu mang lại hiệu quả. Hàng loạt các đề án tạo nguồn nhân lực chất lượng cao như: Đề án đào tạo 100 thạc sĩ, tiến sĩ tại các cơ sở nước ngoài (Đề án 393), Đề án hỗ trợ đào tạo bậc đại học tại các cơ sở giáo dục trong nước và nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước (Đề án 47), Đề án tạo nguồn cán bộ cho chức danh Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND phường, xã trên địa bàn thành phố Đà Nẵng (Đề án 89) đã chứng minh sự quan tâm, kỳ vọng của lãnh đạo thành phố đối với lớp trẻ. Song, để tạo nguồn tốt cho các đề án này, các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và đại học trên địa bàn thành phố đều đóng vai trò vô cùng quan trọng, bởi đây là những bậc học nền tảng - nền tảng trong cả đào tạo tri thức lẫn giáo dục nhân cách cho mỗi con người.
Việc thẳng thắn đánh giá về chất lượng giáo dục của Đà Nẵng trong những năm qua là cần thiết, nhưng những con số về tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT và xếp hạng so với cả nước (vị thứ 19/63 tỉnh, thành trong năm học 2009-2010) không hoàn toàn làm cơ sở để thúc đẩy chất lượng giáo dục. Nếu quá coi trọng tỷ lệ đỗ tốt nghiệp và xếp hạng thì có thể sa vào bệnh thành tích. Quan trọng hơn cả vẫn là chất lượng thật sự, khắc phục triệt để tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp, để mỗi mái trường thật sự là trường học thân thiện và mỗi người học thật sự là học sinh tích cực.
Trong cuộc gặp gỡ và trao đổi với các bạn trẻ của thành phố Đà Nẵng mới đây, nhà văn Nguyên Ngọc rất có lý khi cho rằng, không thể nói nhà trường phải chuẩn bị cho đứa trẻ bước vào cuộc sống, mà nhà trường chính là cuộc sống. Bởi thế, đứa trẻ phải được rèn luyện tri thức, phẩm chất đạo đức, năng lực ứng xử, sự hòa nhập và hội nhập, cũng như bản lĩnh đối đầu ngay chính trong không gian cuộc sống đó. Đây là khó khăn, thách thức đặt ra cho chính người dạy, người học trong yêu cầu giáo dục toàn diện và đòi hỏi sự quan tâm của gia đình, xã hội. Một năm học mới bắt đầu đang mở ra những hy vọng mới và thách thức mới.
Tú Phương