Tập sự hành nghề là giai đoạn để các Luật sư (LS) tương lai làm quen với thực tiễn nghề nghiệp, học hỏi, tích lũy những kỹ năng hành nghề. Hiện cả nước có khoảng 3.500 người tập sự hành nghề LS (tính đến tháng 6/2013). Thực tế cho thấy nếu chất lượng tập sự không đảm bảo thì khó có được đội ngũ LS chuyên nghiệp, chưa nói đến việc xây dựng được đội ngũ LS “hội nhập”.
Tập sự xong vẫn… không biết LS hướng dẫn?
Từ lâu, một nguyên nhân quan trọng khiến giai đoạn tập sự hành nghề LS thời gian qua chưa thực sự đạt yêu cầu là do những người có trách nhiệm liên quan, cả người tập sự hành nghề LS và các tổ chức hành nghề LS nhận người tập sự, “chưa coi trọng đúng mức” vai trò của giai đoạn tập sự hành nghề LS.
Thực tế đáng buồn là khi kiểm tra hết tập sự, có người tập sự hành nghề LS vẫn không biết LS hướng dẫn là ai, không biết tổ chức hành nghề LS nơi mình đăng ký tập sự mỗi năm giải quyết bao nhiêu vụ, việc. Đăng ký tập sự “cho đủ thủ tục” nên nhiều báo cáo tập sự hành nghề LS còn sơ sài, chưa thể hiện được quá trình tập sự, nhiều khi chỉ là sự liệt kê các vụ, việc về thủ tục hành chính đơn thuần mà chưa có nhận định, kinh nghiệm rút ra qua quá trình tập sự…
Việc giám sát người tập sự và tổ chức hành nghề LS nhận người tập sự chưa được thực hiện có hiệu quả. Đa số các Đoàn LS khi gửi danh sách người tập sự hành nghề LS đề nghị Bộ Tư pháp kiểm tra hết tập sự cũng không biết người tập sự hành nghề LS đăng ký tại Đoàn mình là ai. Bên cạnh đó, “bóng dáng” của các Sở Tư pháp còn mờ nhạt trong giám sát tập sự hành nghề LS dù đây là cơ quan sẽ cấp Chứng chỉ hành nghề cho LS.
Thế nên, giai đoạn tập sự hành nghề LS vẫn bị đánh giá là còn nhiều trường hợp chỉ mang tính hình thức, kể cả khi có Thông tư 21/2010/TT-BTP. Chính nhiều thành viên của các Hội đồng kiểm tra kết quả tập sự hành nghề LS hàng năm (do Bộ Tư pháp tổ chức) đều chung nhận định: giai đoạn tập sự hành nghề “vẫn chưa đủ sức lấp được hết những lỗ hổng” về kỹ năng hành nghề cho các LS tương lai.
Dự thảo Thông tư hướng dẫn tập sự hành nghề LS đang được Bộ Tư pháp soạn thảo để tăng tính thực chất cho quá trình tập sự hành nghề LS trên cơ sở khắc phục những bất cập, hạn chế trong hoạt động tập sự hành nghề LS đang khiến nhiều người khi mang “chiếc áo” LS vẫn lơ ngơ trước thực tiễn nghề nghiệp, ảnh hưởng đến chất lượng tập sự và đội ngũ LS.
Để tập sự xong là hành nghề được
Theo Luật LS năm 2012, thời gian tập sự hành nghề LS còn 12 tháng (giảm 6 tháng so với trước đây) nhằm nâng cao chất lượng LS, từng bước đảm bảo mặt bằng chung, cân đối chương trình đào tạo với các chức danh tư pháp (Thẩm phán, Kiểm sát viên, Chấp hành viên).
Ngoài những qui định về thời gian tập sự, gia hạn thời gian tập sự, trách nhiệm của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của LS, tổ chức kiểm tra kết quả tập sự hành nghề LS…, Dự thảo Thông tư bổ sung quyền của người tập sự được “đi cùng LS hướng dẫn gặp gỡ người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự, nguyên đơn, bị đơn dân sự và các đương sự khác trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính khi được người đó đồng ý; tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng và thực hiện dịch vụ pháp lý khi được khách hàng đồng ý”.
Theo nhiều LS, qui định này “sẽ tạo điều kiện cho người tập sự hành nghề LS được “bơi” giữa “dòng” nghề nghiệp chứ không chỉ là “quan sát viên” đối với các hoạt động hành nghề trong suốt 365 ngày tập sự”.
Trong Dự thảo Thông tư này, đại diện các Sở Tư pháp và nhiều LS nhấn mạnh đến vai trò của Hội đồng kiểm tra, Ban giám sát, trách nhiệm của các tổ chức hành nghề LS, các tổ chức xã hội – nghề nghiệp của LS trong việc đảm bảo tính công khai, minh bạch, công bằng của kết quả tập sự, cũng như đề nghị có những qui định cụ thể hơn để tránh sự tùy tiện khi đánh giá kết quả tập sự, tổ chức kiểm tra hết tập sự, bảo về quyền lợi hợp pháp của người tập sự…
Bộ Tư pháp cũng đang lấy ý kiến về Dự thảo Thông tư hướng dẫn bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn nghiệp vụ LS, dự kiến áp dụng cho tất cả các LS đang hành nghề trên lãnh thổ Việt Nam. Thời gian bồi dưỡng có thể tính theo giờ (tối thiểu 10 giờ/năm) hoặc tính theo giờ và chia theo thâm niên hành nghề của LS. LS không thực hiện nghĩa vụ bồi dưỡng bắt buộc hoặc không chứng minh được mình đã thực hiện bồi dưỡng bắt buộc hoặc gian dối trong việc kê khai số giờ tham gia bồi dưỡng bắt buộc có thể bị khiển trách, cảnh cáo, tạm đình chỉ tư cách thành viên Đoàn LS từ 6-24 tháng và cao nhất là xóa tên khỏi danh sách LS của Đoàn LS… |
Huy Anh