Nông - lâm sản, khai khoáng, thủy điện…, những lĩnh vực đầu tư triển vọng vào thị trường Lào đang trở thành cuộc đua đầy cơ hội của nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Hiện Việt Nam là một trong ba nước có dự án đầu tư nhiều nhất vào Lào. Tại Lào hiện có 203 dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam được cấp phép với số vốn trên 3,2 tỷ USD. Mối quan hệ kinh tế Việt - Lào không ngừng được nâng cao, xứng tầm với tình hữu nghị truyền thống giữa hai nước.Dẫn đầu về lâm sản, thủy điện Từ 5 năm trước, một số doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư vào lĩnh vực trồng cao su, cà phê. Hiện cà phê của Công ty cà phê Đắc Lắc đã thu hoạch; 10.000 ha cao su của Công ty liên doanh Việt Lào đã cạo mủ; hai nhà máy chế biến của Công ty Dầu Tiếng đã cho mẻ cao su đầu tiên... Tiến sĩ Tạ Minh Châu, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Lào, cho biết, trong hai năm 2007, 2008, Việt Nam là nước đầu tư lớn nhất vào Lào, trong đó, triển vọng nhất về lĩnh vực nông lâm sản, đặc biệt là cao su. Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đang đứng đầu trong lĩnh vực này.
Thủy điện được xếp vào hàng triển vọng thứ 2, với kỳ vọng giúp khai thác, phục vụ phát triển kinh tế tại Lào, đồng thời bổ sung vào lưới điện của Việt Nam. Lĩnh vực khoáng sản, Việt Nam cũng có nhiều doanh nghiệp thế mạnh. Ngoài ra, bất động sản, vật liệu xây dựng, dịch vụ khách sạn... là những ngành hấp dẫn, hứa hẹn có thêm nhiều doanh nghiệp Việt Nam đổ vốn. Điển hình như Công ty golf Long Thành vừa khởi công dự án xây dựng sân golf và khách sạn vốn đầu tư một tỷ USD.Chuyên nghiệp trên “sân khách” HAGL hiện dẫn đầu trong số các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đầu tư vào Lào với tổng vốn đầu tư 450 triệu USD, gồm: 30.000 ha cao su (đã trồng được 12.000 ha); hai dự án thủy điện có công suất 120 MW; một mỏ đồng và một mỏ sắt tại tỉnh SeKong. Hoạt động này được Chủ tịch hội đồng quản trị HAGL Đoàn Nguyên Đức ví von một cách hình ảnh là “đá trên sân khách”. Ông Đức chia sẻ, hạn chế của thị trường Lào là nguồn nhân lực thiếu, tác phong công nghiệp yếu và hạ tầng chưa đồng bộ. Để khắc phục điểm yếu này, HAGL vừa quyết định tài trợ không hoàn lại 30 triệu USD để xây một cây cầu dài 100 mét, có trọng tải 50 tấn, một làng định cư gồm 250 ngôi nhà (hai công trình này đã khai trương); xây dựng một bệnh viện 200 giường; tài trợ 500 triệu đồng cho chương trình xóa đói giảm nghèo; xây mới khu trung tâm hành chính huyện Phu Vông có quy mô 15.000 dân… Ông Đức kỳ vọng: “Vào năm 2014, sau khi kết thúc giai đoạn đầu tư các dự án nói trên, HAGL sẽ giúp 15.000 lao động có việc làm ổn định, tạo kim ngạch khoảng 300 triệu USD một năm; đóng góp ngân sách 50 triệu USD”. Phát biểu tại Lễ động thổ xây dựng bệnh viện của HAGL, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Lào, Somsavat Lengsavat nói: “Attapeu và SeKong là hai trong bốn tỉnh nghèo, chậm phát triển nhất của Lào. Đây là nơi giàu truyền thống cách mạng, cùng chung với Việt Nam đường Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ. HAGL chọn nơi đây đầu tư là có ý nghĩa rất lớn góp phần làm thay đổi cơ cấu kinh tế, giúp nâng cao đời sống, xã hội; là mang chữ tín cho HAGL và doanh nghiệp Việt Nam trên đất Lào”.
Theo An Bình Minh
Đất Việt
Đất Việt