Các công trình cầu dân sinh vượt lũ trên được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai năm 2022. Thời gian thực hiện năm 2023.
Theo đó, công trình cầu dân sinh vượt lũ tại thôn Ly Tôn, xã Tà Long (huyện Đa Krông) được đầu tư 10,9 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, công trình sẽ giải quyết việc đi lại cho đồng bào Bru Vân Kiều ở các thôn Ly Tôn, Pa Hy, Pa Ngày (xã Tà Long, huyện Đakrông). Công trình được thiết kế bảo đảm cho người và phương tiện thô sơ, xe cơ giới 2 bánh, xe ô tô con lưu thông.
Tương tự, công trình cầu vượt lũ tại cầu tràn đi thôn Khe Me, thôn Sông Ngân (xã Linh Trường, huyện Gio Linh) có tổng mức đầu tư hơn 5,7 tỷ đồng. Quy mô đầu tư gồm phần cầu bằng thép hoặc bê tông cốt thép, chiều dài cầu khoảng 78 m, khổ cầu rộng tối thiểu 2,5 m.
Cầu vượt lũ tràn Tà Puồng tại cầu tràn đường vào khu tái định cư Trăng - Tà Puồng (xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa) có tổng mức đầu tư hơn 4 tỷ đồng. Quy mô đầu tư công trình cầu vượt lũ tràn Tà Puồng gồm phần cầu bằng thép hoặc bê tông cốt thép, chiều dài cầu khoảng 54 m, khổ cầu rộng tối thiểu 2,5 m.
Công trình cầu vượt lũ tại tràn Km 0 trên đường Cha Lỳ - Cuôi (xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa) có tổng mức đầu tư hơn 4,2 tỷ đồng. Quy mô đầu tư công trình cầu vượt lũ tràn Tà Puồng có chiều dài là 54 m, khổ cầu rộng tối thiểu 2,5 m.
Mục tiêu đầu tư xây dựng các cầu dân sinh vượt lũ thí điểm này tại các tràn, cầu tràn nhằm giải quyết việc lưu thông khi bị chia cắt trong mùa mưa lũ cho người và phương tiện thô sơ, xe cơ giới 2 bánh, xe ô tô con, phục vụ nhu cầu đi lại, đảm bảo ATGT và phục vụ công tác cứu nạn, cứu hộ, phòng chống thiên tai.