Đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia
PVN vừa tổ chức họp giao ban CEO tháng 6/2022. Theo ông Lê Mạnh Hùng - Tổng Giám đốc PVN, 5 tháng đầu năm 2022, trong bối cảnh thị trường năng lượng có nhiều biến động do cuộc xung đột Nga - Ukraine, mặc dù các mỏ dầu khí hiện hữu sau thời gian dài khai thác đều có xu hướng suy giảm sản lượng lớn, song PVN đã nỗ lực duy trì, gia tăng sản lượng khai thác để góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và đóng góp cho kinh tế đất nước.
Cụ thể, các sản phẩm của PVN như dầu, xăng dầu, điện, khí, đạm… cung cấp cho nền kinh tế đã góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đáng chú ý, trước sự suy giảm sản lượng khai thác ở tất cả các mỏ dầu khí do đã khai thác quá lâu, trong khi hệ số bù trữ lượng không đảm bảo do thời gian qua việc đầu tư phát triển mỏ mới gặp nhiều vướng mắc về cơ chế, PVN đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để duy trì sản lượng khai thác, một mặt góp phần đảm bảo nguồn cung năng lượng cho quốc gia, một mặt tận dụng cơ hội giá dầu tích cực để tăng cường đóng góp cho ngân sách nhà nước (NSNN)
Theo PVN, khai thác dầu thô 5 tháng 2022 đạt 4,55 triệu tấn, bằng 52% kế hoạch năm 2022. Sản lượng khai thác dầu 5 tháng vượt cao so với kế hoạch do đa phần các mỏ khai thác chủ lực đạt hệ số uptime cao; tăng cường công tác quản trị sản lượng khai thác tại các lô, mỏ chủ lực của toàn Tập đoàn, áp dụng tối đa các giải pháp, biện pháp kỹ thuật gia tăng sản lượng.
Sản xuất xăng dầu (không gồm Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn) 5 tháng năm 2022 đạt 2,79 triệu tấn, bằng 45% kế hoạch năm. Sản xuất đạm đạt 776,4 nghìn tấn, bằng 46% kế hoạch năm, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2021.
PVN nhận định, thời gian qua, đơn vị này đạt được các chỉ tiêu tài chính rất tích cực, tiếp tục đà tăng trưởng, đóng góp đáng kể cho NSNN. Trong 5 tháng đầu năm 2022, tổng doanh thu toàn Tập đoàn khoảng hơn 372.000 tỷ đồng - tăng 58% so với cùng kỳ năm 2021; nộp ngân sách khoảng 52.800 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng, thời gian tới, các đơn vị cần nâng cao sản lượng khai thác dầu, mặc dù sẽ hết sức khó khăn. Ngoài ra, các đơn vị cần chú trọng đánh giá thị trường, tình hình kinh tế vĩ mô như lạm phát, giá năng lượng, lương thực để từ đó có dự báo, đánh giá, cập nhật vào mục tiêu kế hoạch, điều hành sản xuất kinh doanh trong tháng 6 cuối năm.
Doanh nghiệp nào làm ăn tốt?
Ông Hoàng Văn Quang - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) cho hay, trong 6 tháng đầu năm 2022, PV GAS đã sản xuất và cung cấp 1.016,4 nghìn tấn LPG, chiếm khoảng 70% thị phần bán buôn cả nước. Sản xuất và cung cấp 56,8 nghìn tấn condensate, bằng 167% kế hoạch 6 tháng (bằng 185% so với cùng kỳ năm 2021).
Về các chỉ tiêu tài chính, doanh nghiệp này đạt tổng doanh thu hơn 54.560 tỷ đồng, bằng 134% so với cùng kỳ năm 2021; lợi nhuận trước thuế đạt 8.676,7 tỷ đồng; nộp ngân sách đạt 3.626,5 tỷ đồng.
Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro trong 5 tháng đầu năm đạt doanh thu khoảng 971,9 triệu USD, vượt 411,8 triệu USD so với kế hoạch (~173,5 %); trong đó doanh thu thu tiền từ bán dầu khí Lô 09-1 đạt 936,5 triệu USD (172,9% kế hoạch), nộp ngân sách 498,0 triệu USD.
5 tháng đầu năm, Tổng Công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (PVEP) đạt tổng doanh thu khoảng 19.994 tỷ đồng, tăng 74% so với cùng kỳ năm ngoái và vượt 84% kế hoạch; lợi nhuận đạt 2.120 tỷ đồng; nộp ngân sách gần 8.000 tỷ đồng. Kết quả nói trên của PVEP diễn ra trong bối cảnh thị trường dầu thô có nhiều biến động, khiến giá dầu thô có lúc lên mức 130 USD/thùng so với 80 USD/thùng hồi đầu năm.